Thị trường bất động sản cạn kiệt thanh khoản, các chủ dự án và nhà đầu tư đã tìm đủ chiêu thức bán hàng, nhưng kết quả vẫn không được như mong đợi. Hình thức bán bất động sản thông qua đấu giá được nhận định có thể mang lại hiệu quả bất ngờ, nếu chủ dự án đưa ra một mức giá sàn hợp lý.
Theo phản ánh của đại diện một số sàn giao dịch trên địa bàn Hà Nội, hoạt động môi giới bất động sản chưa bao giờ khó khăn như hiện nay. Sản phẩm chào bán rất nhiều, nhưng không bán được hàng, không có doanh thu, không ít sàn giao dịch bất động sản âm thầm đóng cửa. Số ít sàn còn lại hoạt động khá quy củ, nhưng việc bán hàng vẫn gặp nhiều khó khăn, dù tại các đợt mở bán, chủ đầu tư đều có các ưu đãi và cơ chế tạo điều kiện cho các sàn bán hàng.
Ông Phạm Trung Hà, Tổng giám đốc Hòa Phát Land nhận xét, thị trường bất động sản khó khăn nên các chủ dự án và các sàn giao dịch đều đã tìm đủ chiêu thức bán hàng. Do niềm tin vào bất động sản của người dân hầu như không còn, nên các phương thức bán hàng mới, với nhiều ưu đãi, vẫn không thu hút được người mua.
Tuy nhiên, trong khi việc bán bất động sản đơn thuần qua hoạt động môi giới và qua các sàn giao dịch không hiệu quả, thì một số nhà đầu tư bán bất động sản qua phương thức bán đấu giá lại gặt hái được nhiều hiệu quả bất ngờ.
Luật sư Đỗ Hồng Hạnh, Phó giám đốc CTCP Đấu giá Lạc Việt cho biết, thị trường bất động sản mất thanh khoản trong gần 2 năm qua, khiến lượng sản phẩm ký gửi bán đấu giá tại Đấu giá Lạc Việt năm 2012 tăng gấp 10 lần so với năm 2011. Phần lớn sản phẩm ký gửi bán đấu giá là tài sản ngân hàng phát mại do khách hàng mất khả năng trả nợ. Tuy nhiên, có không ít sản phẩm ký gửi bán đấu giá là bất động sản của các nhà đầu tư cá nhân đã thất bại trong các đợt chào bán trên thị trường trước đó.
Theo Luật sư Hạnh, phương thức bán đấu giá nói chung thu hút được sự quan tâm của khách hàng, bởi việc mua bán rất minh bạch. Trong khi đó, tham gia đấu giá, khách hàng được thoải mái trả giá. Đặc biệt, nhiều sản phẩm bán đấu giá có mức giá sàn thực sự hấp dẫn, nên khả năng thanh khoản của các sản phẩm thông qua bán đấu giá ở mức cao.
Mặc dù các phương thức bán hàng trên thị trường của chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn, nhưng theo đại diện CTCP Đấu giá Lạc Việt, đến nay vẫn chưa có chủ dự án bất động sản nào chọn bán hàng qua phương thức bán đấu giá tại Công ty.
Luật sư Hạnh cho biết, vừa qua, Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu tung ra căn hộ giá 10 triệu đồng/m2 đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của khách hàng. Với mức giá này, nếu chủ dự án chọn bán hàng qua phương thức bán đấu giá, có thể bán được với mức giá tốt hơn, lại đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động mua bán. Thế nhưng, việc bán qua đấu giá đã không được đơn vị này lựa chọn. Trong khi đó, nhiều chủ dự án đang gặp khó khăn về vốn và rất muốn bán được hàng. Thay vì chọn phương thức bán đấu giá, các chủ dự án vẫn bán cho các đơn vị thứ cấp, với mức chiết khấu cao, nhằm giữ giá sản phẩm. Đến lượt các đơn vị thứ cấp, do thanh khoản thị trường kém nên việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn, từ đó, chính các chủ dự án cũng gặp khó khăn.
Vì vậy, bà Hạnh cho rằng, trong bối cảnh sức tiêu thụ sản phẩm bất động sản quá yếu, các doanh nghiệp vẫn có thể bán được các sản phẩm của mình với giá tốt tới nhóm khách hàng cuối cùng - người sử dụng, thông qua phương thức bán đấu giá. Vấn đề mấu chốt là các chủ dự án phải chấp nhận đưa ra mức giá sàn hợp lý, để vừa đảm bảo lợi nhuận, lại đáp ứng được kỳ vọng của số đông khách hàng.
Nguyên Minh
Theo Đầu tư Chứng khoán điện tử