Chiều 23/3/2011, Quốc hội thảo luận ở tổ về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Các đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao với các Báo cáo.
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh Huỳnh Thành Lập đánh giá cao nhiệm kỳ công tác của Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ và cho rằng, đây là sự đánh giá thẳng thắn, có trách nhiệm và tâm huyết trước Đảng, trước nhân dân.
“Chủ tịch nước đã thể hiện được vai trò quan trọng của mình, nhất là các hoạt động đối ngoại trong nhiệm kỳ vừa qua”, đại biểu Lập nhận định.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Hoàng Thám cho rằng, nhiệm kỳ của Chủ tịch nước đã có nhiều đóng góp với sự phát triển của đất nước, đặc biệt là công tác đối ngoại Nhà nước, để lại hình ảnh tốt đẹp về đất nước chúng ta trên trường quốc tế.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn (đại biểu Hà Tĩnh), nhiệm kỳ qua đã để lại dấu ấn về sự năng động, quyết liệt, sáng tạo của Chính phủ trước tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động.
Đoàn đại biểu TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hà Tĩnh thảo luận tại tổ - Ảnh Chinhphu.vn |
Cho rằng nhiệm kỳ 2007-2011, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó, ông Trần Đình Đàn cho rằng, Chính phủ cần tổng kết nhiệm kỳ, đưa ra những đề xuất cần sửa đổi trong bộ máy hành chính Nhà nước sao cho hiệu quả hơn trong nhiệm kỳ tới.
“Tôi đề nghị Quốc hội Khóa XIII cần thảo luận kiến nghị của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp cho phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước”, đại biểu Trần Hoàng Thám nêu quan điểm.
TS. Trần Du Lịch (đại biểu TP.HCM) bày tỏ sự tâm đắc đối với báo cáo của Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc thể hiện được vai trò cá nhân của mình nhiệm kỳ 2007-2011.
“Báo cáo của Chủ tịch nước thể hiện sự trăn trở của người đứng đầu nhà nước, sự gửi gắm đối với nhiệm kỳ sau”, đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Đối với nhiệm kỳ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Trần Du Lịch nêu rõ, nhiệm kỳ Chính phủ 2007-2011 là thời điểm nền kinh tế Việt Nam hội nhập đầy đủ với kinh tế quốc tế. Đặc biệt, trong 4 năm của nhiệm kỳ này, có đến 3 năm Chính phủ tập trung vào điều hành nền kinh tế đất nước để ứng phó với tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới.
Chèo lái nền kinh tế vượt qua nhiều thử thách
“Theo tôi, điểm nổi bật nhất của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2007-2011 là sự nhạy bén để ứng phó biến động của tình hình khủng hoảng, thể hiện sự năng động của Chính phủ và vai trò nổi bật của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó có thể nhận thấy, Chính phủ đã chèo lái nền kinh tế đất nước đạt được nhiều thành quả, vượt qua nhiều thử thách, củng cố hơn nữa niềm tin của nhân dân”, đại biểu Trần Du Lịch nhận định.
Tuy nhiên, đề cập đến những tồn tại hạn chế, đại biểu Trần Du Lịch cũng cho rằng, đối với Chủ tịch nước là Trưởng ban Cải cách tư pháp Trung ương, công tác cải cách tư pháp chưa đạt yêu cầu.
Bày tỏ sự băn khoăn của mình, đại biểu Trần Du Lịch đề nghị, trong điều hành nền kinh tế không nên nặng về tăng trưởng GDP hơn là tái cấu trúc nền kinh tế. Phải lấy phát triển bền vững làm trọng chứ không nên lấy tăng trưởng làm đầu.
Bên cạnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cần giải quyết cho tốt mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường cũng như sớm xây dựng, ban hành Luật Kinh doanh vốn nhà nước để quản lý nguồn vốn khổng lồ của Nhà nước đang giao cho các doanh nghiệp nắm giữ.
Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa (đại biểu Bắc Ninh) lại đánh giá cao những chính sách về bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ trong thời gian qua, đặc biệt là những lúc nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Theo đại biểu Thanh Hòa, điều này tạo niềm tin cho nhân dân về sự ưu việt và sự quan tâm của Nhà nước đối với đời sống người dân, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân trong thực hiện các chính sách của Chính phủ.
Theo Chinhphu.vn