Giá trị cốt lõi và ý nghĩa lịch sử, thời đại của Đề cương Văn hóa năm 1943 đối với "Chiến lược văn hóa doanh nghiệp HUD"
Đề cương về văn hóa Việt Nam đã khẳng định tư duy, tầm nhìn, trí tuệ, bản lĩnh của Đảng ta về cách mạng và văn hóa. Đó là việc kế thừa, xây dựng và phát triển nền văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc, tự tôn văn hóa dân tộc, khắc phục tư tưởng tự ti, tự phụ; nâng cao lòng yêu nước, chí khí anh hùng, độc lập, tự do; Đó là những phẩm chất cao quý của con người Việt Nam: yêu nước, đoàn kết, dũng cảm, sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân; Đó là quán triệt sâu sắc tư tưởng nhân văn của Đảng, nghệ thuật vị nhân sinh.
Trong 80 năm qua, sức sống của "Đề cương Văn hóa" vẫn tuôn trào trong dòng chảy chính sách của Đảng:
- Xuất phát từ thực tiễn đất nước sau gần 30 năm đổi mới và phát triển, Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) đã thảo luận và ra Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”. Nghị quyết này tiếp tục thể hiện sự phát triển tư duy lý luận và sáng tạo của Đảng trong việc nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa, đặc biệt là yếu tố con người; việc xác định phương hướng, đặc trưng, tính chất, động lực và đặc thù của hoạt động xây dựng và phát triển văn hóa, con người.
- Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân, thiện, mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học… Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.
- Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu yêu cầu: “Tập trung nghiên cứu và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực của con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới...”; “Tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về văn hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.
- Sau Đại hội XIII của Đảng, nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021) và các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của đất nước năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết quan trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Đề cập đến vấn đề văn hóa và con người trong bài viết, đồng chí Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hóa nhân loại, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao...”; “Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới...”.
Giờ đây, văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, và là hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế xã hội. Chiến lược văn hóa doanh nghiệp HUD không tách rời khỏi dòng chảy đó, trái lại Chiến lược đã kế thừa, phát triển tư duy, lý luận của Đảng trong việc xây dựng VHDN mang bản sắc riêng HUD với các nhiệm vụ cụ thể:
- Trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản sắc riêng, có phẩm chất đạo đức, tận tụy, có ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, hết lòng phụng sự HUD.
- Tạo dựng giá trị cốt lõi HUD dưới lăng kính tư tưởng Hồ Chí Minh với việc vận dung tư tưởng "dĩ bất biến ứng vạn biến" và các phong trào CBNV, người lao động học tập Bác về nêu cao tinh thần trách nhiệm, sức mạnh đại đoàn kết HUD, nhà ở xã hội "xanh - sạch" góp phần thực hiện đất nước phồn vinh.
Nhận rõ vai trò, đóng góp to lớn và quan trọng của văn hóa, chúng ta cần xác định việc đầu tư cho văn hóa phải thực sự được chú trọng thông qua các giải pháp đồng bộ có khả năng khơi thông các nguồn lực cho phát triển toàn diện CBNV, người lao động theo hướng bền vững.
(Ban Tuyên giáo - Truyền thông)