Để làm sáng tỏ hơn một số điểm đổi mới xung quanh dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến nhân dân, đặc biệt liên quan tới cơ chế định giá đất, PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với ông Đào Trung Chính - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai:
PV: Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tập trung vào những điểm đổi mới trọng tâm nào, thưa ông?
Ông Đào Trung Chính: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) và kết quả tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2003. Dự thảo sẽ tập trung đổi mới một số điểm như nâng cao tính liên kết, đồng bộ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch ngành, quy hoạch của các địa phương; thu hẹp các đối tượng được giao đất và mở rộng đối tượng được thuê đất; tiếp tục giao đất, cho thuê đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng có thời hạn theo hướng kéo dài hơn quy định hiện hành; làm rõ các trường hợp Nhà nước thu hồi đất, cơ chế bồi thường giải phóng mặt bằng; thực hiện đăng ký bắt buộc về quyền sử dụng đất...
PV: Một trong những vấn đề người dân rất quan tâm là việc định giá đất của Nhà nước. Theo ông, cơ chế định giá đất hiện nay còn tồn tại bất cập gì?
Ông Đào Trung Chính: Cơ chế định giá đất của Nhà nước hiện nay có 2 bất cập. Thứ nhất, khung giá đất hiện nay được quy định cho một thời gian khá dài (bảng giá đất công bố hàng năm, nhưng bị khống chế bởi khung giá), trong khi thị trường bất động sản vận động, thay đổi liên tục làm cho mức giá nhanh chóng trở nên lạc hậu, thấp hơn nhiều so với thị trường (đặc biệt tại các thành phố lớn), gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, phát sinh khiếu kiện và ảnh hưởng đến tiến độ giải phòng mặt bằng... Thứ hai, hệ thống cơ quan định giá đã hình thành, nhưng sự phân công còn chồng lấn, tính chuyên nghiệp chưa cao, phần định giá Nhà nước chủ yếu theo cơ chế hội đồng (liên ngành), chưa có hệ thống quản lý, theo dõi, cập nhật tình hình thị trường; số lượng các tổ chức tư vấn giá đất còn ít, năng lực định giá còn hạn chế…
PV: Trong Luật Đất đai (sửa đổi), nguyên tắc định giá đất sẽ được thực hiện theo hướng nào?
Ông Đào Trung Chính: Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nguyên tắc định giá đất sẽ được sửa đổi theo hướng định giá đất theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm Nhà nước thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu nên về nguyên tắc, Nhà nước sẽ định giá trên cơ sở đảm bảo phù hợp với cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.
PV: Tại các vùng giáp ranh thường xảy ra tình trạng giá đất chênh lệch quá lớn, dẫn tới khiếu kiện kéo dài khi thu hồi đất. Bất cập này sẽ được xử lý ra sao?
Ông Đào Trung Chính: Trong thực tế hiện nay, vấn đề về giá đất giáp ranh giữa các địa phương luôn là bài toán khó đối với các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai. Do đó, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này sẽ bổ sung quy định: Chính phủ quy định khung giá, giá đất thuộc khu vực giáp ranh. Khung giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần và được công bố vào ngày 1 tháng 1 của năm đầu kỳ. Khi giá đất thị trường tăng hoặc giảm trên 20% và thời gian tăng hoặc giảm liên tục từ 180 ngày trở lên thì Chính phủ sẽ điều chỉnh khung giá, giá đất tại khu vực giáp ranh cho phù hợp. Về nguyên tắc, các thửa đất liền kề nhau có điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng như nhau, có cùng mục đích sử dụng, cùng một thời điểm định giá thì có mức giá như nhau.
PV: Nhiều ý kiến đề xuất nên tổ chức đấu giá để xác định giá đất. Ông có đồng tình với quan điểm này?
Ông Đào Trung Chính: Việc xác định giá đất có nhiều cơ chế, trong đó có đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, không phải dự án nào, công trình nào cũng tổ chức đấu giá đất vì có những địa bàn, có những lĩnh vực đầu tư nhiều khi tổ chức đấu giá, nhưng không có người tham gia, nên vẫn phải có cách khác để xác định giá cụ thể.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo CAND