Với mong muốn xây dựng một thị trường xây dựng và bất động sản Việt Nam lành mạnh, phát triển bền vững, chiều 26/8, Diễn đàn đầu tư xây dựng và bất động sản Việt Nam – Kinh tế và triển vọng đã diễn ra tại Hà Nội.
Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương tổ chức.
Khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển bất động sản bền vững có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống văn hóa-kinh tế- chính trị, tác động đến tăng trưởng kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo vốn trong nước.
Theo TS.Trần Kim Chung, Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, từ khi có luật đất đai năm 1993, đến nay, hệ thống văn bản pháp luật về phát triển thị trường bất động sản đã được ban hành ngày càng đầy đủ và đồng bộ. Đến tháng 7/2011 hệ thống chính sách phát triển thị trường bất động sản đã có những bước tiến bộ vượt bậc về cả số lượng lẫn chất lượng so với đầu thời kỳ đổi mới.
Các luật liên qua đến thị trường bất động sản đã được ban hành: Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Đây là những luật góp phần rất lớn vào sự phát triển của thị trường bất động sản. Hệ thống chính sách phát triển bất động sản đã góp phần quan trọng vào việc quản lý, phát triển thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, những năm qua, thị trường bất động sản nước ta phát triển tương đối trồi trụt, một phần do thông tin thị trường bất động sản thiếu minh bạch. Trên thực tế, đến nay không có một cơ quan nào nắm được thông tin chính xác hiện đang có bao nhiêu dự án bất động sản (dưới mọi hình thức và loại hình sản phẩm) đang được triển khai, sản phẩm của các dự án đã và đang được bán cho ai, giá cả chính xác là bao nhiêu.
Mặc dù Luật kinh doanh bất động sản đã quy định mọi giao dịch mà có một là chủ thể kinh doanh bất động sản phải giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản nhưng rất nhiều giao dịch vẫn chưa giao dịch qua sàn. Luật Nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản đã quy định các chủ đầu tư không được huy động vốn của bên mua khi chưa hình thành móng, tuy nhiên trong thực tế, các bên vẫn giao dịch thông qua các hợp đồng góp vốn, hợp đồng vay tiền…để mua các sản phẩm từ khi dự án được hình thành.
Diễn đàn đã tiến hành đối thoại đa chiều chính sách giữa các doanh nghiệp với lãnh đạo các Bộ liên quan về việc hỗ trợ và đưa ra các giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy ngành xây dựng và bất động sản phát triển bền vững.
TS.Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, để thị trường bất động sản vượt qua những khó khăn hiện tại, từng bước ổn định và phát triển cần thiết phải có sự tham gia của cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân với hệ thống đồng bộ các giải pháp như chính sách tiền tệ cần được vận hành chặt chẽ, linh hoạt, nhất quán có kế hoạch phân bổ đều nhằm đảm bảo tăng trưởng tín dụng ổn định có chất lượng. Từ đó nâng cao tính ổn định và chất lượng nguồn vốn tín dụng cho khu vực BĐS.
Các chuyên gia trong và ngoài nước cũng đã đưa ra các gợi ý và các giải pháp cải thiện trong ngắn hạn, và dự báo trong dài hạn cũng như mô tả một cách rõ nét về thực trạng hiện tại thị truờng BĐS ở Việt Nam. Trong đó, luồng vốn FDI cần được xem xét như một giải pháp cho nhà đầu tư trong nước đang có khó khăn về vốn.
Theo : www.chinhphu.vn