Việc quy định định giá đất theo cơ chế thị trường vẫn chung chung, làm khó cho người dân. Vấn đề này cần được giải quyết trong một bài toán lớn hơn, đó là xử lý hài hòa lợi ích của các bên liên quan.
Đây là quan điểm của một số đại biểu Quốc hội khi đề cập dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và nguyên tắc định giá đất được quy định trong Luật. Dự luật này sẽ được trình Quốc hội vào hôm nay (29.10).
Nên bỏ mức hạn điền
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng quy định như dự thảo luật về hạn điền là hợp lý. không nhất thiết phải bỏ hạn mức, hạn điền. Lý do là, hiện nay dịch chuyển cơ cấu lao động không phải mãi mãi người ta làm nông dân. Nhiều hộ được giao đất, sau đó phải thuê người làm thuê, trong khi người đi làm thuê lại không có ruộng. Bên cạnh đó, đã có thời kỳ nước ta có nông trường, HTX, nhưng thực sự không thể canh tác theo kiểu cơ giới hóa như các nước phát triển, vẫn phải chia lẻ từng hộ.
ĐB Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa- Giáo dục- Thanh niên- Thiếu niên- Nhi đồng cũng cho rằng, hiện tại chưa nên xóa bỏ hạn điền. Tuy vậy, theo ông Thi nên mở rộng hạn điền vì chúng ta cần tích tụ ruộng đất để đầu tư sản xuất lớn trong nông nghiệp, nhưng bên cạnh đó cần bảo đảm có đất cho một số đối tượng, đặc biệt là đồng bào vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số. Mở rộng như thế nào phải căn cứ vào thực tế, quy mô phát triển sản xuất lớn trong nông nghiệp. Hạn điền cần có mức cụ thể để phù hợp với yêu cầu phát triển và có thể thay đổi theo từng giai đoạn.
Không đồng tình quan điểm này, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) lại cho rằng không nên hạn chế thời hạn, quy mô giao đất vì mục tiêu cuối cùng là tạo điều kiện cho người dân và các doanh nghiệp yên tâm sản xuất lâu dài. “Cái chúng ta cần quản lý là không để mục đích sử dụng đất bị lợi dụng, làm sai đi. Ông xin 20ha đất để trồng cây công nghiệp, sau đó ông lại lấy để xây nhà là không được. Chúng ta phải quản lý được việc này chứ không nên khống chế về thời gian sử dụng cũng như khống chế về quy mô sử dụng đất”, ông Nghĩa nói và cho rằng hạn chế về quy mô cũng đồng nghĩa với việc hạn chế sản xuất lớn. Cái chốt cơ bản là chốt về sở hữu đất đai rồi.
Một vấn đề nữa theo ông Nghĩa cần lưu ý là chúng ta kiểm soát, thu thuế trên đất đai được sử dụng. Người ta sản xuất quy mô lớn thì phải đóng thuế nhiều, khi người ta sử dụng không hiệu quả thì bắt buộc phải thu hẹp quy mô, trả lại đất. Còn sử dụng sai mục đích thì phải thu hồi. Vấn đề là nhiều người làm sai mục đích, nhưng vì tiêu cực mà nhiều địa phương không chịu thu hồi.
Cần hài hòa lợi ích khi định giá đất
Cũng theo ông Trương Trọng Nghĩa, quy định Dự thảo Luật đất đai lần này mới dừng ở một câu chung chung: Xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, nhưng rõ ràng nguyên tắc thị trường còn mơ hồ. Do vậy, việc định giá đất vẫn còn tù mù, khó cho người dân. “Tôi cho rằng vấn đề này nằm trong một bài toán lớn hơn, đó là bài toán xử lý hài hòa lợi ích của các bên liên quan. Tôi không biết giá đất là bao nhiêu, sau khi thu hồi đất của tôi, anh phải cho tôi những lợi ích đáp lại, bằng hoặc là tốt hơn trước”, ông Nghĩa nói và cho rằng nhiều nơi xử lý vấn đề này không tốt, làm không đến nơi đến chốn nên mới sinh ra khiếu kiện kéo dài.
Đồng tình quan điểm này, ông Trần Ngọc Vinh cũng cho rằng định giá đất phải tính toán lại một cách khoa học. “Vừa qua khiếu kiện đông người, phức tạp là do giá đất áp dụng do các địa phương có sự vênh nhau. Cùng một mảnh đất, nhưng năm nay một giá, năm sau một giá. Điều này dẫn đến tình trạng những người chấp hành thì thiệt thòi, những người chây ì thì lại được hưởng lợi. Đất giáp ranh hai tỉnh, chỉ cách nhau một bờ ruộng được định giá chênh nhau rất lớn. Theo tôi phải quy định làm sao để những vùng giáp ranh cùng một giá, quy định giá đất theo vùng chứ không thể theo địa bàn tỉnh được”, ông Vinh nói.
Ông Đào Trọng Thi cũng cho rằng việc định giá đất là việc khó. “Tôi chưa thấy có giải pháp nào hứa hẹn được thực hiện có hiệu quả. Bởi chúng ta rất muốn đưa nguyên tắc, cơ chế thị trường vào quy định giá đất. Nhưng vì thị trường sử dụng đất của chúng ta tới thời điểm này chưa hình thành và phát triển hoàn chỉnh nên áp dụng không dễ. Định giá quyền sử dụng đất phải căn cứ nó thuộc loại gì bởi khu đô thị thì dễ quy định, nhưng với đất công nghiệp, đất nông thôn chưa phát triển thì lại chưa hình thành được thị trường để định giá. Trước đây nói “sát giá thị trường” đã không phù hợp bởi thế nào là sát giá, sát ở thời điểm nào? Ngoài ra còn quyền lợi của các bên tham gia trong việc sử dụng đất. Đây là vấn đề cần giải quyết hợp lý, công bằng.
Hà Vỹ
Theo BaoDatViet