(TTTT-HUD) Ngày 26-10-2011, Tập đoàn HUD phối hợp với Cục Dân quân tự vệ (Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam) tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Giáo dục QP-AN. Đại tá Nguyễn Ngọc Tương – Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị), Ủy viên Ban soạn thảo và đồng chí Nguyễn Văn Bách - Phó tổng giám đốc Tập đoàn, Chủ tịch Hội cựu chiến binh Tập đoàn đồng chủ trì Hội thảo.
Dự Hội thảo còn có đại diện của một số Cục của Bộ Quốc phòng, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Nội vụ, Tập đoàn HUD.
Đồng chí Đại tá Nguyễn Ngọc Tương – Phó cục trưởng Cục Nhà trường, Ủy viên Ban soạn thảo phát biểu tại Hội thảo. |
Các báo cáo và tham luận tại Hội thảo cho thấy, giáo dục quốc phòng – an ninh (GDQP-AN) là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã xội chủ nghĩa; là bộ phận của nền giáo dục quốc dân; là một nội dung cơ bản xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. GDQP-AN nhằm tăng cường tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia; cảnh giác trước mọi âm mưu của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta; có kiến thức và kỹ năng quốc phòng- an ninh cần thiết, góp phần đào tạo con người phát triển toàn diện, để thực hiện sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Dự thảo lần 2 Luật Giáo dục QP-AN có 6 chương, 56 điều về quy định chung, giáo dục QP-AN; đảm bảo nguồn lực giáo dục QP-AN; quản lý Nhà nước, trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức về giáo dục QP-AN; khen thưởng và xử lý vi phạm...
|
Đồng chí Nguyễn Văn Bách – Phó tổng giám đốc Tập đoàn, Chủ tịch hội cựu chiến binh Tập đoàn trao đổi một số nội dung trong Hội thảo. |
Tại hội thảo đồng chí Nguyễn Văn Bách – Phó tổng giám đốc Tập đoàn, Chủ tịch Hội cựu chiến binh Tập đoàn nhất trí với các nội dung cơ bản của dự thảo và đóng góp ý kiến về một số nội dung như: Đối tượng được miễn, tạm hoãn giáo dục QP-AN; về thẩm quyền cấp chứng chỉ, chứng nhận; việc giáo dục QP-AN cho học sinh tiểu học, trung học sơ sở; quy định chung QP-AN cho học sinh, sinh viên trong tình trạng chiến tranh; đối tượng bồi dưỡng kiến thức QP-AN; xây dựng mô hình điểm về QP-AN; thành lập Câu lạc bộ hướng nghiệp QP-AN. Đồng chí Nguyễn Văn Bách cũng đề nghị bổ sung Ban quản trị các tòa nhà chung cư vào đối tượng cần bồi dưỡng kiến thức QP-AN, nhằm tăng cường phổ biến kiến thức QP-AN trong các khu đô thị mới.
Tại Hội thảo, các ý kiến đóng góp đều nhất trí cao về dự thảo luật, sự cần thiết phải ban hành luật và cho rằng công tác giáo dục QP-AN cho học sinh trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cho sinh viên đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề, cho học viên trong các trường, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội là hết sức cần thiết... Một số ý kiến còn đề cập đến việc bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chủ doanh nghiệp.