Nhân kỷ niệm 122 năm ngày sinh của Bác Hồ kính yêu (19/5/1890-19/5/2012), hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 5/6 và tiến tới chào mừng 38 năm ngày truyền thống Tổng công ty Viglacera (25/7/1974-25/7/2012). Hôm nay, ngày 18/5/2012 tại Khu Công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh, Tổng công ty Viglacera đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng Nhà máy cấp nước sạch công suất 10.000m3/ngày và động thổ Nhà máy xử lý nước thải giai đoạn 2 công suất 2000m3/ngày, Nhà máy xử lý rác thải công suất 50 tấn/ngày. Tới dự có Đồng chí Nguyễn Nhân Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, Lãnh đạo các Sở, Ban, ngành tỉnh Bắc Ninh, Lãnh đạo Huyện Yên Phong, Lãnh đạo Tập đoàn HUD, Lãnh đạo Tổng công ty Viglacera cùng các đơn vị có Nhà máy tại khu công nghiệp và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.
Trong nhiều năm qua, việc phát triển ổn định, bền vững theo tiêu chí Xanh, Sạch, bảo vệ môi trường luôn là mục tiêu mà Viglacera đang hướng tới. Việc khởi công và động thổ Dự án cấp nước và 02 dự án về môi trường ngày hôm nay, là một hành động cụ thể, thiết thực thể hiện uy tín, trách nhiệm đối với xã hội của Tổng công ty Viglacera trong chiến lược phát triển KCN, luôn đi trước đón đầu, tạo môi trường đầu tư tốt, hấp dẫn, lành mạnh và phát triển bền vững thỏa mãn yêu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp vào KCN.
Ông Nguyễn Nhân Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh phát biểu
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến đã đánh giá cao nỗ lực của Viglacera, mặc dù trong giai đoạn kinh tế có nhiều khó khăn như hiện nay nhưng vẫn quyết tâm thực hiện đúng cam kết của mình đối với địa phương và các khách hàng. Những đóng góp của Viglacera đối với sự phát triển của tỉnh thể hiện qua những việc làm hết sức cụ thể như việc khởi công xây dựng nhà ở, chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân tại các khu công nghiệp, góp phần rất lớn vào vấn đề an sinh xã hội và giữ gìn ổn định an ninh chính trị và kinh tế trên địa bàn. Nhân sự kiện này, đồng chí cũng đề nghị Viglacera tập trung mọi nguồn lực để gấp rút đưa những dự án rất có ý nghĩa này vào hoạt động đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ tối đa và tạo mọi điều kiện thuận lợi để Viglacera tiếp tục có những đóng góp lớn hơn nữa vào sự phát triển chung của tỉnh Bắc Ninh.
Khu công nghiệp Yên Phong I được thành lập theo Quyết định số 303/TTg-CN ngày 20/02/2006 của Thủ tướng chính phủ và khởi công xây dựng từ tháng 03/2006. Quy mô diện tích 340ha với tổng vốn đầu tư 990 tỷ đồng. Sau 6 năm nỗ lực triển khai đầu tư, xây dựng và quản lý vận hành, đến nay đã cơ bản hoàn thành đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật như: cấp điện, cấp nước với nhà máy công suất 4900m3/ngày đêm; thoát nước, xử lý nước thải với nhà máy công suất 2000m3/ngày đêm; hệ thống đường giao thông nội bộ hiện đại; Nút giao liên thông lập thể với hệ thống giao thông quốc gia ...và các dịch vụ tiện ích khác như dịch vụ Ngân hàng, Viễn thông, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp ...Đã có 28 nhà đầu tư trong và ngoài nước vào thuê đất để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất với tổng diện tích cho thuê lấp đầy là 185ha, trong đó phải kể đến các nhà đầu tư lớn như Công ty Sam Sung Electronic (Hàn Quốc), Công ty Orion Vina A (Hàn Quốc), Công ty CP Rượu Hà Nội. Bên cạnh đó, để chuẩn bị sẵn mặt bằng sạch, TCT Viglacera đang triển khai thực hiện dự án KCN Yên Phong mở rộng với quy mô 313,9 ha với tổng mức đầu tư 2.200 tỷ đồng, dự kiến sẽ khởi công trong quý 3/2012, tạo quỹ đất sạch nhằm đón đầu làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư thứ cấp trong và ngoài nước.
1. Nhà máy cấp nước sạch công suất 10.000m3/ngày :
- Đây là Nhà máy xử lý nước mặt Sông Cầu có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh với tổng mức đầu tư 74 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào quý 4/2012 sẽ tăng nguồn nước sạch phục vụ yêu cầu sản xuất của các nhà đầu tư thứ cấp vào thuê đất xây dựng nhà máy sản xuất tại KCN Yên Phong I và mở rộng.
- Với giải pháp công nghệ “Lắng Lament - bể lọc tự rửa”: Nước mặt từ Sông Cầu được dẫn về công trình thu. Từ công trình thu nước thô được bơm về 02 hồ “sơ lắng” để lắng cặn bùn cát, sau đó được bơm vào bể phản ứng được bơm phèn và polime để keo tụ bông và chất rắn lơ lửng, rồi chuyển sang bể lắng cặn Lamen. Nước sau khi lắng cặn được chuyển sang bể lọc tự rửa, sau đó bơm trộn với nước Javen để khử trùng diệt khuẩn và đưa vào Bể nước sạch. Nước sau khi xử lý đạt QCVN 01-2009/BYT.
2. Nhà máy xử lý nước thải giai đoạn 2, công suất 2000m3/ngày :
- Tổng mức đầu tư 32 tỷ đồng, hoàn thành và đưa vào khai thác quý 4/2012, nâng tổng công suất xử lý nước thải tại KCN Yên Phong I thành 4000m3/ngày đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải của các nhà đầu tư thứ cấp đang hoạt động tại KCN.
- Giải pháp công nghệ: Trạm được sử dụng công nghệ “Xử lý sinh học hiếu khí kéo dài liên tục bằng bùn hoạt tính” . Nước thải được thu về trạm bơm tăng áp bơm qua máy tách rác về bể điều hoà, sau đó được bơm liên tục vào ngăn khuấy trộn với hoá chất để điều chỉnh nồng độ pH tối ưu cho việc keo tụ tạo ra các bông cặn, các bông cặn sẽ được tách ra khi đi qua bể lắng, nước thải tiếp tục chảy qua hệ thống xử lý sinh học bằng phương pháp thông khí kéo dài. Kết quả nước thải sau khi xử lý đạt QCVN 40-2011/BTNMT cột A và chảy qua hồ điều hoà trước khi thải ra hệ thống thoát nước chung của khu vực. Bùn lắng từ bể lắng và được bơm về bể chứa, sau đó bơm vào máy ép bùn tách nước và mang đi thải bỏ theo quy định về môi trường.
3. Trạm xử lý chất thải rắn công suất 50tấn/ngày :
- Đây là Nhà máy xử lý rác thải hiện đại, có quy mô lớn với tổng mức đầu tư 42 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác quý I/2013 sẽ xử lý toàn bộ rác thải của KCN Yên Phong cũng như các KCN khác trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh (Tiên Sơn, Quế Võ...).
- Giải pháp công nghệ: Sử dụng công nghệ MBT tái chế, tận thu, tái sử dụng, không chôn lấp. Dây chuyền xử lý hiện đại, tự động hóa MBT. Các thiết bị được chế tạo dạng modun kín, kết nối đồng bộ liên hoàn, không phát sinh ô nhiễm thứ cấp như mùi, bụi, nước từ rác trong quá trình xử lý. Rác thải sau khi tập kết sẽ được đưa vào khu xử lý để tách lọc, phân loại, cắt xé làm đồng đều kích thước rồi chuyển sang khu tái chế để tổ hợp khí hóa hỗn hợp rác thành than cacbon, nhiệt phân nylon thành dầu BO, FO, tái chế chất vô cơ thành sản phẩm gạch không nung rồi chuyển sang khu ứng dụng được sử dụng để đốt (than), chạy máy phát điện (dầu) và xây dựng (gạch không nung).
Theo Viglacera