Giữa lúc thị trường nhà đất bị bao vây bởi bệnh khát vốn, tồn kho, dự án đình trệ, chỉ số niềm tin vào BĐS xuống thấp, các chuyên gia cho rằng lúc này chia nhỏ căn hộ có thể cởi trói cho địa ốc.
Ngày 25/9, tại Hội nghị tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển nhà ở, nhiều ý kiến cho rằng trong lúc bất động sản khủng hoảng, nghiên cứu chẻ nhỏ căn hộ diện tích lớn có thể trị được căn bệnh tồn kho cho thị trường này.
Là đơn vị tổ chức hội nghị, Sở Xây dựng TP HCM cho biết đã phối hợp với một số sở ngành và Viện Nghiên cứu phát triển thành phố khảo sát các dự án bất động sản trên địa bàn. Kết quả, cho thấy các doanh nghiệp địa ốc gặp nhiều khó khăn do thị trường trầm lắng trong thời gian dài, thanh khoản yếu.
Hiện TP HCM có hơn 45.000 căn hộ đưa vào sử dụng nhưng sản phẩm dành cho người có thu nhập thấp chỉ chiếm khoảng 40%, còn lại là trung và cao cấp. Các giao dịch thành công thời gian qua chủ yếu thuộc phân khúc 11-15 triệu đồng mỗi m2 đã khiến các phân khúc nhà ở giá trị cao ế ẩm.
Đại diện đoàn khảo sát cho biết, căn hộ trên 100 m2 có giá thành cao, khó tiêu thụ. Đoàn giám sát cho rằng tiêu chuẩn trong dự án cứ một căn hộ nhỏ 50-70 m2 phải có hai căn hộ vừa 80-90 m2 và một căn hộ lớn trên 100 m2 gây khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm.
Sở Xây dựng cho rằng một trong những giải pháp có thể xem xét là chia nhỏ diện tích căn hộ từ 80-100 m2 xuống còn 45-55 m2 để giá bán phù hợp với túi tiền của người dân. Ngoài ra, cần có một chính sách linh hoạt về cơ cấu sản phẩm trong các dự án nhà ở. Theo đó, nhà thương mại, thu nhập thấp sẽ có cơ cấu khác nhau sao cho phù hợp với thị trường và kế hoạch phát triển của địa phương.
Đồng cảm với căn bệnh tồn kho căn hộ diện tích lớn của thị trường nhà đất, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP HCM, Nguyễn Thanh Toàn ủng hộ việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ.
Ông Toàn cho hay, thời gian qua, Sở Quy hoạch kiến trúc tiếp nhận nhiều hồ sơ của doanh nghiệp xin điều chỉnh dự án cao tầng xuống thấp tầng để đảm bảo thanh khoản. Một số chủ đầu tư dự án xin điều chỉnh diện tích căn hộ lớn xuống kích cỡ trung bình để phù hợp với giá thành thị trường và nhu cầu thực. Theo ông Toàn, diện tích căn hộ bao nhiêu nhà nước không nên can thiệp. Hãy để doanh nghiệp tự quyết định cho dự án của mình sao cho phù hợp với điều kiện thực tế. “Vấn đề là nhà nước phải quản lý dân số, từ đó kiểm soát hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của dự án”, ông nói.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, Lê Hoàng Châu đề nghị nên điều chỉnh theo hướng dự án nhà bình dân được xây dựng 100% diện tích nhỏ và trung bình, trong đó 25% căn hộ nhỏ và 75% là căn hộ trung bình.
Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM, Nguyễn Thành Tài phân tích, nhiều năm qua, các chủ đầu tư chỉ xây nhà cao cấp, diện tích lớn, thiếu quan tâm đến tiện ích công cộng và đầu ra của sản phẩm. Hiện nay người dân chỉ cần nhà diện tích vừa đủ để sinh hoạt, giá vừa túi tiền nhưng phải có những tiện ích đi kèm.
Theo ông Tài, chiến lược kinh doanh không phù hợp, trông chờ vào ngân hàng hoặc huy động vốn từ nhà đầu tư đã giáng đòn chí mạng vào doanh nghiệp khi kinh tế khó khăn. Thêm vào đó, các chủ đầu tư chọn phân khúc nhà ở chưa đúng nhu cầu càng khiến bất động sản trì trệ như hiện nay. "Gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản đang là vấn đề nan giải", ông nhận xét.
Theo Vũ Lê
Vnexpress