Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho biết, Hà Nội không nương nhẹ với bất cứ vi phạm, tiêu cực nào phát sinh trong quá trình xét cấp sổ đỏ.
Hàng vạn hồ sơ tồn đọng
UBND quận Thanh Xuân cho biết, quận này còn đang tồn đọng tới hơn 8.600 trường hợp hồ sơ chưa được cấp GCN. Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, ông Đặng Hồng Thái cho biết, 9 năm trở lại đây, quận này đã cấp được tổng cộng 14.359 GCN, đạt khoảng 81% số GCN cần cấp. Đáng chú ý, số lượng hồ sơ cấp GCN còn tồn đọng tại quận này rất lớn, lên tới hơn gần 9.000 trường hợp.
Tình trạng hồ sơ cấp sổ đỏ phải xếp hàng chờ đợi không chỉ diễn ra tại quận Thanh Xuân. Số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, TP còn tới 27.300 trường hợp đã kê khai, đăng ký xin cấp GCN theo Nghị định 60/CP nhưng chưa đủ điều kiện để cấp theo quy định của pháp luật, do nằm trong hành lang bảo vệ công trình công cộng hoặc lấn chiếm đất công, tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vi phạm pháp luật đất đai... Tương tự, Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết, toàn TP có khoảng 15.000 hồ sơ mua nhà theo Nghị định 61/CP đang tồn đọng, chờ tới lượt được cấp GCN.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh, khó đầu tiên trong việc xét cấp sổ đỏ là xác định nguồn gốc đất. Đất nhà ở Hà Nội là vấn đề rất phức tạp bởi trải qua nhiều thời kỳ, chính sách pháp luật khác nhau cộng thêm quản lý cũng có những khiếm khuyết, để xảy ra nhiều vụ lấn chiếm, xây dựng trái phép, tranh chấp đất đai...
Khi xác định nguồn gốc đất, chính quyền phải căn cứ trên các quy định và giấy tờ pháp lý, song không phải hộ gia đình nào cũng có đủ giấy tờ nên cần nhiều thời gian cho việc làm rõ căn cứ pháp lý để có thể cấp sổ đỏ.
Khó khăn thứ hai là trong quá trình thực thi công vụ, có cán bộ tắc tránh, khi gặp phải những hồ sơ khó, cán bộ không đeo bám, chưa phối hợp với bộ phận liên quan, thiếu trách nhiệm với dân, không tìm hiểu tới cùng dẫn tới có hồ sơ bị “ngâm” quá lâu. TP đã biết việc này và chỉ đạo xử lý quyết liệt. TP cũng đã yêu cầu thanh tra công tác cấp GCN tại hàng loạt quận, huyện để rà soát lại tình hình, tìm hướng giải quyết.
Theo ông Vũ Hồng Khanh, quan điểm của TP là phải kết luận, làm rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp, cụ thể tới từng cá nhân chứ không có chuyện chung chung.
Có bao nhiêu sổ đỏ đang nằm trong ngăn kéo của các phường?
Cũng theo thông tin từ quận Thanh Xuân, bên cạnh gần 1.000 trường hợp không đủ điều kiện cấp GCN, quận Thanh Xuân còn hàng nghìn hồ sơ vướng mắc, đang cần chờ ý kiến tháo gỡ từ các sở, ngành chức năng. Ông Đặng Hồng Thái cho biết, cái khó của các hồ sơ này rất đa dạng và phức tạp. Có trường hợp nằm trong quy hoạch mở đường, có hồ sơ lại thuộc phạm vi dự án “treo” hoặc đang có khiếu kiện, tranh chấp...
Ngoài ra, có cả những hồ sơ thuộc diện đất lấn chiếm, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng hay một số dạng vi phạm khác về đất đai, xây dựng hoặc đất có nguồn gốc cấp trái thẩm quyền...
Thừa nhận sự chậm trễ trong cấp GCN, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân, UBND quận Thanh Xuân cho rằng, sự trễ nải gây bức xúc thường nằm ở cấp phường. Ông Đặng Hồng Thái nói: “Phường cứ trình hồ sơ lên quận là coi như xong. Với các trường hợp khó, khi quận trả hồ sơ về là phường không quan tâm nữa, có khi lại đủng đỉnh, không trả lời kịp thời nên dân bức xúc ở khâu này. Cán bộ địa chính đều là hợp đồng.
Xây nhà trên đất không “sổ đỏ”, không giấy phép xây dựng ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: X.H |
Nhận thức về thái độ phục vụ còn chưa đầy đủ, năng lực hạn chế nên xử lý hồ sơ lúng túng. Có khi nhận hồ sơ quận trả về cũng không vào sổ. Thêm vào đó, hồ sơ địa chính nơi có nơi không và hầu như không cập nhật biến động đất đai nên khi xét cấp GCN mất rất nhiều thời gian...”. Với hàng nghìn trường hợp tồn đọng này, UBND quận Thanh Xuân đã kiến nghị giải pháp đối với từng dạng hồ sơ.
Đánh giá tiến độ cấp GCN ở quận Thanh Xuân chậm hơn nhiều so với bình diện chung toàn TP. UBND TP.Hà Nội cho rằng, quận “cần phải sốt ruột với số hồ sơ phải giải quyết”. Lãnh đạo UBND TP cho rằng, phải khắc phục được tình trạng “dân muốn làm, chính quyền đủng đỉnh” trong xét cấp sổ đỏ hoặc “thấy hồ sơ khó là không làm nữa, đùn đẩy trách nhiệm lên quận, TP” hoặc “đơn giản là úp hồ sơ lại, trả lời mỗi một câu “đang có tranh chấp” cho xong chuyện...”.
UBND TP cũng yêu cầu, với các khu vực đã có quy hoạch hay dự án, phải công bố công khai để dân biết. Đối với các trường hợp đã nộp hồ sơ, phải trả lời cụ thể, rõ ràng, không né tránh. Với những hồ sơ thuộc diện vi phạm pháp luật đất đai, quận phải sớm tổ chức thanh tra, ban hành kết luận, nếu thấy đủ điều kiện cấp GCN thì khẩn trương giải quyết. Lãnh đạo UBND TP yêu cầu: “Phải làm rõ có bao nhiêu sổ đỏ đang nằm trong ngăn kéo của các phường? Vì sao chưa giao cho người dân? Do người dân chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính hay còn lý do nào khác?”.
Xuân Thu