Các tham luận tại Hội thảo cũng đã tập trung vào các nội dung: Công tác quy hoạch, mô hình phát triển, nguồn vốn đầu tư, trách nhiệm của Nhà nước, trách nhiệm của địa phương có khu công nghiệp, trách nhiệm của doanh nghiệp sử dụng lao động, những ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ xây dựng mới để phát triển nhà ở giá rẻ...
Theo ông Vũ Hồng Quang - Phó Ban Chính sách pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 1,6 triệu lao động đang làm việc tại các KCN trong cả nước, trong đó 70% là người ngoại tỉnh đến làm việc và có nhu cầu thuê nhà ở nhưng hiện Nhà nước và các doanh nghiệp mới chỉ đáp ứng được từ 7-10%, trên 90% số lao động còn lại hiện vẫn phải thuê nhà trọ của các hộ dân. Nguyên nhân, do trong quá trình phát triển xây dựng KCN, chủ đầu tư và cơ quan thẩm định không quy hoạch đất để làm nhà ở, Nhà nước không đầu tư vốn xây dựng nhà ở cho CNLĐ các KCN mà chỉ khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư theo phương thức xã hội hóa. Việc vay vốn với lãi suất ưu đãi còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế thủ tục… Các chính sách khuyến khích hiện hành đối với đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân vẫn chưa đủ sức thu hút khó thực hiện khiến doanh nghiệp chưa quan tâm thỏa đáng đến loại hình nhà này.
Còn theo ông ông Trần Thanh Liêm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thì, cơ chế chính sách ưu đãi hiện nay chưa đủ sức thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân. Các DN nằm ngoài các KCN chưa được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi theo quy định của nhà nước khi xây dựng nhà ở cho công nhân nên hạn chế sự tham gia của các DN vào chương trình này. Mặt khác, từ cuối năm 2008 đến nay thị trường BĐS không thuận lợi nên việc triển khai thực hiện các dự án nhà ở cũng bị chậm lại. Một số khu nhà xây dựng xong không thu hút được công nhân vào ở do thu nhập của công nhân thấp và không ổn định, giá thuê cao hoặc quản lý gắt gao...
Vì vậy, để đẩy mạnh chương trình nhà ở cho CNLĐ các KCN, các đại biểu đề nghị, các địa phương phải có quy hoạch, bố trí đất sạch để xây dựng nhà ở cho công nhân; Nhà nước phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ, bổ sung các nguồn vốn để xây dựng nhà ở CNLĐ; Mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi; Bắt buộc các doanh nghiệp sử dụng đông lao động phải xây dựng nhà ở cho công nhân; Hỗ trợ và ưu tiên thủ tục hành chính cho nhà đầu tư từ thiết kế, lập dự án đến triển khai đầu tư xây dựng; Xây dựng những căn hộ có diện tích nhỏ...
Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng VN cho rằng, để phát triển nhà ở xã hội cho công nhân KCN, các địa phương cần quy hoạch xây dựng một KĐT đa chức năng gồm nhiều đường phố với nhà nhiều tầng, trong đó tầng trệt được bán rộng rãi theo giá thương mại để các chủ hộ có thể mở cửa hàng, cửa hiệu. KĐT này có chính quyền quản lý với nhân lõi ban đầu là nhà ở xã hội cho công nhân và nhà ở cho các đối tượng khác làm việc và sinh sống tại đây. "Một đô thị như vậy sẽ có sức sống và phát triển bền vững, góp phần vào quá trình đô thị hoá của các địa phương", TS. Liêm khẳng định.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Để huy động các nguồn lực phát triển quỹ nhà cho CNLĐ, TP đã thực hiện thí điểm một số cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở cho CNLĐ thuê trong các KCN. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp sử dụng lao động tại các KCN vẫn rất hạn chế trong tham gia xây dựng nhà ở cho CNLĐ của mình. Việc tham gia của các chủ sử dụng lao động vẫn chủ yếu là sự hảo tâm mà chưa có chế tài bắt buộc chủ sử dụng lao động phải có trách nhiệm về nơi ở cho người lao động của mình. Chính vì vậy, một trong những giải pháp để phát triển các dự án nhà ở cho CNLĐ tại các KCN-KCX đó là cần ban hành chế tài bắt buộc các chủ sử dụng lao động phải có trách nhiệm, nghĩa vụ về nơi ở với người lao động của mình.
Còn theo ông Nguyễn Khắc Sơn - Tổng GĐ Cty CP Phát triển Nhà ở Sơn An: Muốn phát triển được mô hình nhà ở cho công nhân cần có cơ chế đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, từ cơ chế về vốn, đất đai và chính sách phù hợp theo từng thời điểm. Theo tôi, nhà nước nên giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương mỗi năm phải xây dựng bao nhiêu m2 nhà ở cho công nhân chứ cứ ra nghị định, thông tư rồi kêu gọi thì rất khó thực hiện. Đồng thời, Nhà nước cũng phải khen thưởng kịp thời những doanh nghiệp làm tốt và có quy định về tầng cao tối đa cho các đô thị lớn để tiết kiệm quỹ đất và có chính sách đa dạng nguồn vốn để tạo điều cho các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở cho công nhân.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Văn Đực – Phó Giám đốc Cty Đất Lành (TP.HCM) bày tỏ quan điểm: “Theo tôi, Nhà nước nên cho phép doanh nghiệp đa dạng hóa các loại hình căn hộ, trong đó có những căn hộ diện tích nhỏ. Đồng thời hạ giá thành xây dựng căn hộ xuống mức giá hợp lý. Để làm được điều này, cần quy hoạch các khu nhà ở CNLĐ ở ven thành phố, gần các KCN, KCX và quy hoạch thành từng cụm từ 10-100 ha có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Nhà nước phải tạo quỹ đất sạch, duyệt các thủ tục quy hoạch, kiến trúc và đấu thầu để chọn DN xây dựng căn hộ có giá thành thấp. Nhà ở cho CNLĐ cần có tiêu chuẩn xây dựng khác với nhà ở thương mại: tăng mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, xây từ 6 tầng trở xuống, không cần thang máy để giảm chi phí đầu tư. Các căn hộ cũng chỉ từ 20-40m2 dành cho 1-2 người, có chỗ để xe vừa phải, không cần chỗ để ô tô... Các doanh nghiệp cần áp dụng KHKT trong thiết kế và thi công để giảm giá thành. Có thể sử dụng VLXD có chất lượng không cao nhưng vẫn đáp ứng được mức độ tiện nghi tối thiểu”.
Kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, sẽ tiếp thu các ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo này để đề xuất, kiến nghị Chính phủ điều chỉnh các cơ chế, chính sách cho phù hợp nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia chương trình này, đặc biệt là chính sách về đất đai, quy hoạch và thuế. Nhà nước cũng sẽ có các chế tài để buộc các doanh nghiệp sử dụng lao động và các địa phương trong việc thực hiện chính sách phát triển nhà ở cho công nhân. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh BĐS tích cực tham gia phát triển nhà ở cho công nhân lao động.