Tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng trong tháng 8 và 8 tháng năm 2011 nhìn chung ổn định và có mức tăng so với cùng kỳ năm 2010.
Về sản xuất kinh doanh:Giá trị sản xuất kinh doanh tháng 8 đạt 11.958,6 tỷ đồng, 8 tháng năm 2011 ước đạt 99.083,8 tỷ đồng, bằng 64,4% so với kế hoạch năm 2011, bằng 110,3% so với cùng kỳ năm 2010.Trong đó :
- Giá trị xây lắp của các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng ước thực hiện tháng 8 đạt 4.990,3 tỷ đồng, 8 tháng năm 2011 ước đạt 40.361 tỷ đồng, bằng 64% so với kế hoạch năm, bằng 103,5% so với cùng kỳ năm 2010.
- Giá trị sản xuất công nghiệp và vật liệu xây dựng của các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng (kể cả TCT Xi măng Việt Nam) ước thực hiện tháng 8 đạt khoảng 4.413,3 tỷ đồng, 8 tháng năm 2011 ước đạt 36.759,6 tỷ đồng, bằng 65,7% so với kế hoạch năm, bằng 115,2% so với cùng kỳ năm 2010.
Năm 2011, Bộ Xây dựng đã tính toán nhu cầu xi măng khoảng 54,5 - 56 triệu tấn, tăng 9-10% so với năm 2010 và định hướng kế hoạch sản xuất, tiêu thụ cho các đơn vị dự kiến: Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam sản xuất và tiêu thụ khoảng 19 - 19,5 triệu tấn, các công ty Liên doanh 17 - 17,5 triệu tấn, xi măng lò đứng các địa phương và các trạm nghiền xi măng 18,5 - 19 triệu tấn.
Ước thực hiện sản xuất xi măng toàn ngành tháng 8 đạt 3,53 triệu tấn, 8 tháng năm 2011 đạt 31,96 triệu tấn, bằng 58,6% so kế hoạch năm 2011. Tháng 8 sản lượng xi măng tiêu thụ ước đạt 3,41 triệu tấn, giảm khá mạnh so với các tháng quý II do ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều và sự trầm lắng của thị trường bất động sản, 8 tháng năm 2011 đạt 31,65 triệu tấn, bằng 58% kế hoạch năm 2011.
Về xuất nhập khẩu
Ước thực hiện nhập khẩu tháng 8 đạt khoảng 21,309 triệu USD, 8 tháng năm 2011 đạt 322,949 triệu USD, bằng 39,3% so với kế hoạch năm.
Xuất khẩu tháng 8 đạt khoảng 21 triệu USD, 8 tháng năm 2011 đạt 156,391 triệu USD, bằng 46,2% so với kế hoạch năm.
Một số kết quả chủ yếu về thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ
Thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung kiềm chế lạm phát; Bộ Xây dựng đã chỉ đạo tiếp tục duy trì hoạt động của Tổ thường trực theo dõi thị trường vật liệu xây dựng và bất động sản để theo dõi, kiểm tra và kịp thời có giải pháp xử lý những vấn đề phát sinh do biến động giá vật liệu xây dựng và bất động sản, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các địa phương và doanh nghiệp.
Tiếp tục chỉ đạo Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng thuộc Bộ đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường, tích cực tham gia bình ổn thị trường; tiếp tục phát triển, hoàn thiện hệ thống phân phối, lưu thông các sản phẩm VLXD đặc biệt là xi măng, thép.
Thị trường xi măng, vật liệu xây dựng trong các tháng đầu năm 2011 đã đáp ứng nhu cầu thị trường và một phần dành cho xuất khẩu, riêng clinker và xi măng, 8 tháng 2011 xuất khẩu đạt khoảng 2,8 triệu tấn. Tuy nhiên, từ đầu năm 2011, thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, cắt giảm đầu tư công,... dẫn đến một loạt dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là các dự án bất động sản bị đình trệ, khối lượng xây dựng giảm dần dẫn đến việc nhu cầu tiêu thụ các loại vật liệu xây dựng, đặc biệt là xi măng cũng giảm dần. Những tháng gần đây, sản lượng tiêu thụ xi măng tháng 7 ước chỉ đạt 3,45 triệu tấn, tháng 8 là 3,4 triệu tấn, giảm so với các tháng quý II.
Theo kế hoạch năm 2011, có 10 dự án xi măng sẽ đi vào hoạt động với công suất 9,48 triệu tấn, tính đến thời điểm này có 2 dự án đi vào hoạt động là xi măng Tân Quang – Tuyên Quang và xi măng Quán Triều – Thái Nguyên, 8 dự án còn lại dự kiến hoàn thành trong năm 2011. Hiện nay, số dự án đã đăng ký trong danh mục đầu tư xi măng mà chưa khởi công, chưa ký hợp đồng thiết bị đã tạm dừng lại. Những dự án đầu tư dở dang đang gặp khó khăn lớn trong việc vay vốn để hoàn thành, dự án như: xi măng Hương Giang – Bắc Giang, xi măng Mai Sơn – Sơn La,...
Bộ đã hoàn thành việc nghiên cứu xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng và Danh mục sản phẩm, hàng hoá Nhóm 2 thuộc lĩnh vực vật liệu xây dựng nhằm tăng cường các biện pháp kỹ thuật cần thiết liên quan đến kiểm soát nhập khẩu sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng.
Bộ cũng tiếp tục rà soát, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) quản lý tốt, bổ sung kịp thời Danh mục các sản phẩm vật liệu xây dựng, thiết bị xây dựng trong nước đã sản xuất được, đáp ứng yêu cầu chất lượng, thay thế hàng nhập khẩu và được ưu tiên sử dụng trong các dự án công trình sử dụng nguồn ngân sách, trái phiếu Chính phủ; thực hiện việc kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện công tác quản lý chất lượng sản phẩm VLXD tại các cảng nhập.
Nhằm tăng cường kiểm soát thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã có Báo cáo tình hình thị trường bất động sản và một số giải pháp nhằm quản lý thị trường bất động sản hoạt động lành mạnh gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó đã đánh giá toàn diện về tình hình bất động sản năm 2010 và 6 tháng đầu năm 2011 và đề ra một số nhóm giải pháp để kiểm soát hiệu quả dòng vốn đầu tư vào thị trường BĐS để chống đầu cơ nhưng cũng tránh gây sốc, làm đóng băng thị trường; đổi mới các phương thức phát triển nhà ở (như xoá bỏ hình thức chia lô, bán nền, đa dạng hoá các loại hình nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở, phát triển mạnh nhà ở cho thuê...); đẩy mạnh công tác cải cách TTHC, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, tăng nguồn cung cho thị trường; tiếp tục tập trung nguồn lực đẩy mạnh các Chương trình nhà ở xã hội trọng điểm... Để thực hiện các giải pháp này, Bộ Xây dựng đang dự thảo Chỉ thị về bình ổn thị trưởng bất động sản, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong thời gian tới để giao nhiệm vụ cho các Bộ, Ngành liên quan triển khai thực hiện.
Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đã tự kiểm tra, rà soát lại danh mục, hiệu quả các dự án đầu tư của Công ty mẹ và các đơn vị thành viên trong Tập đoàn, Tổng công ty, sắp xếp lại các dự án đầu tư theo hướng tập trung cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính. Kế hoạch đầu tư năm 2011 của các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng sau khi rà soát điều chỉnh giảm gần 12 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch đăng ký từ đầu năm, chủ yếu tập trung vào các dự án đang chuẩn bị đầu tư, các dự án dự kiến khởi công mới.
Bộ cũng tiếp tục rà soát, lập danh mục các dự án sản xuất xi măng cần đầu tư hệ thống tận thu nhiệt thừa để phát điện phục vụ sản xuất; chỉ đạo các doanh nghiệp tổ chức triển khai thực hiện, phấn đấu đến năm 2015 các nhà máy xi măng tự túc được 20% điện năng sản xuất.
Tiếp tục thực hiện cải cách, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, Bộ đã ban hành Quyết định số 730/QĐ-BXD ngày 20/7/2011 công bố thủ tục hành chính hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng: “Tiếp nhận và quản lý giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực, chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng” và Quyết định số 734/QĐ-BXD ngày 21/7/2011 công bố một số thủ tục hành chínhđược sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Phối hợp với Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều liên quan đến TTHC đã trình.
Nhằm hiện đại hóa nền hành chính, Bộ cũng đã ban hành Quyết định số 739/QĐ-BXD ngày 22/7/2011 phê duyệt Kế hoạch triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất luợng theo TCVN ISO 9001:2008 đối với hoạt động liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng
Trong 8 tháng năm 2011, các doanh nghiệp thuộc Bộ đã nỗ lực cố gắng, khắc phục khó khăn, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của các doanh nghiệp thuộc Bộ nhìn chung vẫn ổn định và có tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2010.
Thực hiện các giải pháp về bảo đảm an sinh xã hội, Bộ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thực hiện Chương trình xây dựng ký túc xá sinh viên, Chương trình đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp thuê, Chương trình đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long (giai đoạn 2).
Bộ Xây dựng cũng đang có kế hoạch triển khai đoàn công tác đi kiểm tra tình hình sử dụng quỹ đất dành xây dựng nhà ở xã hội tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương trọng điểm, dự kiến từ 05-30/9/2011. Mục tiêu kiểm tra nhằm đôn đốc việc xây dựng nhà ở xã hội và sử dụng quỹ đất tại các dự án phát triển nhà ở và khu đô thị mới theo quy định tại Nghị định 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ, góp phần đẩy mạnh việc xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị theo Quyết định 67/2009/QĐ-TTg.
Bộ cũng đang tập trung chỉ đạo nghiên cứu các mẫu thiết kế nhà ở điển hình, các công trình hạ tầng xã hội cho các xã thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai và đã cơ bản hoàn thành việc nghiên cứu, xây dựng Đề án Hỗ trợ nâng cao điều kiện an toàn nhà ở trong khu vực thường xuyên có lũ, lụt tại các tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ đã chỉ đạo triển khai Chương trình chống thất thoát, thất thu nước sạch; đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo chương trình quốc gia chống thất thoát, thất thu nước sạch.
Bộ cũng thường xuyên hướng dẫn các Bộ, ngành và các địa phương, các chủ đầu tư về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; hướng dẫn, giải đáp các vấn đề về kinh tế xây dựng thông qua trang Web của Bộ và do Cổng thông tin điện tử của Chính phủ gửi về.
Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu giá xây dựng tiếp tục được triển khai; việc công bố chỉ số giá xây dựng, công bố suất vốn đầu tư xây dựng được thực hiện theo định kỳ.
Các nhiệm vụ khác trong các Chương trình hành động được ban hành tại Quyết định số 110/QĐ-BXD ngày 26/01/2011 và Quyết định số 214/QĐ-BXD ngày 04/3/2011 của Bộ Xây dựng tiếp tục được triển khai theo đúng kế hoạch, tiến độ đã đề ra.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Báo cáo 63/BC-BXD