Mới đến gần 11h trưa mà cái nắng gay gắt của mùa hè đã vắt kiệt mồ hôi của những công nhân (CN) bé nhỏ đang hì hục làm việc dưới chân hố móng công trình nhà CT17 - KĐT Việt Hưng (Hà Nội). Có vẻ như đã thấm mệt, từng tốp CN nhanh chóng thu dọn dụng cụ để chuẩn bị nghỉ ngơi và ăn trưa.
Theo chân những CN, tôi được anh Vũ Văn Cừ (quê Thanh Hóa) dẫn đường về khu nhà nghỉ của họ. Chiếc áo xanh đã đẫm mồ hôi, ánh mắt hiện lên vẻ mệt mỏi, vậy mà anh Cừ vẫn rất nhiệt tình hồ hởi nói: Làm CN xây dựng trên khắp các công trường lớn nhỏ mấy chục năm rồi, thì mệt mỏi đối với tôi cũng thành quen rồi. Nghề xây dựng mà không chịu được nắng mưa chỉ có mà làm bạn với “thuốc” suốt.
Đã bước sang tuổi 53, mái tóc điểm nhiều sợi bạc, trán có nhiều vết nhăn nhưng anh Cừ vẫn chưa có ý định bỏ nghề xây dựng. Anh kể: Cũng bởi gia đình khó khăn, vợ con ở quê nheo nhóc trông vào mấy sào ruộng, làm không đủ ăn nên tôi mới phải đi làm ăn xa. Mình không được ăn học tử tế, khó xin việc, nên mới làm CN xây dựng tự do này. Tuy có vất vả một chút, nhưng cũng kiếm ra tiền. Mỗi tháng với mức lương 4,5 triệu đồng, tôi cũng lo được cho gia đình một cuộc sống ổn định.
Dành gần cả cuộc đời để gắn bó với công trường, cố gắng làm tốt công việc để kiếm tiền nuôi vợ con, phát triển kinh tế gia đình... là mục tiêu của hầu hết những CN “lão làng”. Nhưng đến khi đã có tuổi, sức yếu không làm được nữa, những CN tự do này lại trở về quê mà chẳng có thêm chế độ phụ cấp nào. “Mình làm CN tự do, lúc có sức khỏe thì cố mà làm thôi chứ có phải cán bộ gì đâu mà mong có lương hưu” - anh Cừ tâm sự.
Cách công trường chừng 200m, khu nhà ở của CN như anh Cừ là căn biệt thự xây thô chưa có người mua. Trong nhà, tầng 1 được kê những tấm phản sát nhau vừa để ăn cơm, vừa để nghỉ ngơi. Mâm cơm đạm bạc chỉ có món lòng lợn luộc, món canh và cơm, ấy vậy mà gần 30 CN xì xụp ăn thật ngon miệng, và chuyện như “pháo ran”. Phần lớn CN ở đây đều xuất thân từ những vùng nông thôn. Vì nhiều lý do khác nhau, họ chọn các công trường để làm việc kiếm sống. Trong số họ có cả già, trẻ, gái, trai, nhưng phần lớn chẳng ai được học hành đến nơi đến chốn. Chị Hà Thị Hiệp (quê Bắc Giang) cho biết: Cũng vì kiếm tiền lo cho con cái ăn học nên cả 2 vợ chồng mới phải dắt díu nhau lên TP tìm việc. Nếu làm việc chăm chỉ thì thu nhập hàng tháng của 2 vợ chồng tôi sau khi trừ ăn uống chi tiêu cũng gửi về quê được 3 - 4 triệu đồng để nuôi con. So với làm ruộng thì đi làm công trường vẫn khá hơn nhiều rồi.
Trong bữa ăn, bạn Thắng (quê Bắc Giang) khiến tôi chú ý bởi hình dáng nhỏ bé và khuôn mặt còn rất trẻ. Gia đình nghèo, học xong lớp 12, Thắng xin bố mẹ cho đi làm. Qua người thân giới thiệu, Thắng đến làm phụ việc cho công trình xây dựng này với mức lương 80 nghìn đồng/công. Với số tiền ấy, Thắng tiết kiệm gửi về quê cũng giúp bố mẹ được phần nào. Không trẻ như Thắng, Nguyễn Văn Tin (quê Phú Thọ) làm qua rất nhiều công trường xây dựng khác nhau, bởi vậy, mới có 25 tuổi nhưng khuôn mặt anh trông khá già dặn. Tin tâm sự: Ngay khi đi làm, tôi đã bắt đầu công việc ở công trường rồi, nên từ đó tôi chỉ đi từ công trường này đến công trường kia mà thôi. Thấy cuộc sống lang thang như thế này vất vả và khổ cực lắm, nhiều lúc tôi có ý định bỏ việc, nhưng biết làm nghề gì khi mình chẳng có bằng cấp, chẳng có nghề gì trong tay?
Để gia đình, con cái hay cuộc sống tương lai bớt khó nhọc, những người CN ở đủ mọi lứa tuổi vẫn đang miệt mài lao động không quản những thiếu thốn và kham khổ của đời sống công trường. Bởi thế, nên dù có phải ngủ lán trại quanh năm, ăn những bữa cơm đạm bạc, xa gia đình hàng tháng trời... thì họ vẫn chẳng bao giờ “chê việc”. Họ chấp nhận làm việc chẳng cần bảo hiểm, chế độ cho bản thân, chỉ mong có một chỗ ăn, ngủ để có sức làm việc đã là tốt lắm rồi.
Chia tay họ, trên đường trở về tôi cứ canh cánh mãi trong lòng một câu hỏi: Tại sao BHXH đã về tận ruộng đồng, mà ngay chính các công trường lại không thể làm được? Nếu có một cách nào đó để những CN này tham gia BHXH tự nguyện thì chắc chắn cái nhìn của họ về tương lai sẽ khác đi rất nhiều.