Năm 2010 là năm hoạt động đầu tiên của Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam, gồm năm tổng công ty (TCT): TCT Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD), TCT Thủy tinh và gốm xây dựng Việt Nam (Viglacera), TCT Ðầu tư xây dựng, cấp thoát nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen), TCT Xây dựng Hà Nội và TCT Xây dựng Bạch Ðằng. Ðây đều là những TCT mạnh trong các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, sản xuất và sử dụng VLXD, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp..., đồng thời đều hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực này, dẫn đến nguồn lực bị phân tán, mức độ chuyên môn hóa không cao. Trong bối cảnh thị trường bất động sản luôn 'nóng lạnh' bất thường thì việc tập hợp, tận dụng nguồn lực các đơn vị thành viên trong tập đoàn để phát triển bền vững được đặt lên hàng đầu.
Chủ tịch Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam Nguyễn Hiệp cho biết, chương trình phối hợp giữa các đơn vị thành viên của tập đoàn là bước đi đầu tiên trong chiến lược phát triển của tập đoàn. Xuất phát từ đặc thù mô hình tổ chức và hoạt động của tập đoàn, hội đồng thành viên tập đoàn đã tổ chức nghiên cứu xây dựng và ban hành chương trình này trên cơ sở phát huy thế mạnh của mỗi bên để đạt được các mục tiêu, định hướng đã đề ra. Năm 2011, chương trình phối hợp giữa các đơn vị thành viên của tập đoàn trong lĩnh vực sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng (VLXD) được bắt đầu triển khai. Chương trình phát triển nhà ở của Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam giai đoạn 2011-2015 đặt mục tiêu hoàn thành 12 triệu m2 sàn nhà ở, đa dạng hóa loại hình nhà ở đáp ứng nhu cầu xã hội, trong đó nhà ở giá trung bình chiếm tỷ trọng lớn, nhà ở xã hội chiếm khoảng 10%. Vì vậy, việc triển khai chương trình phối hợp giữa các đơn vị thành viên của tập đoàn trong lĩnh vực sản xuất và sử dụng VLXD là cần thiết nhằm giảm giá thành xây dựng nhà, tạo điều kiện cho người dân hưởng lợi.
Theo nội dung chương trình phối hợp, trước mắt, Viglacera với vai trò là TCT sản xuất VLXD hàng đầu Việt Nam có trách nhiệm sản xuất và cung ứng các sản phẩm VLXD có chất lượng phục vụ cho kế hoạch phát triển nhà ở của tập đoàn giai đoạn 2011-2015. Các sản phẩm này sẽ được các thành viên trong tập đoàn đặt hàng tiêu thụ. Loạt hàng đầu tiên sẽ gồm năm triệu m2 gạch lát sàn, hơn hai triệu m2 gạch ốp lát nhà vệ sinh, 131 nghìn bộ sản phẩm sứ vệ sinh và 300 nghìn bộ van vòi và sen tắm dùng cho các công trình nhà ở xã hội và nhà ở giá trung bình do tập đoàn đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, các bộ sản phẩm thiết bị vệ sinh đồng bộ phục vụ nhà ở xã hội do Viglacera sản xuất sẽ được sử dụng tại các dự án nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Thanh Lâm -
Ðại Thịnh II với quy mô gần 1.500 căn hộ, được khởi công trong thời gian tới và nhiều dự án nhà ở xã hội khác tại các tỉnh Bắc Ninh, Thanh Hóa, Bình Dương...
Ngoài ra, việc tập hợp, sử dụng thế mạnh của các công ty thành viên trong tập đoàn cũng được ưu tiên như: Các sản phẩm thủy tinh, gốm xây dựng do TCT Viglacera sản xuất; các sản phẩm xi-măng Sông Thao, ống cống bê-tông ly tâm của Công ty mẹ Tập đoàn; gạch ốp lát, gạch xây, bê-tông thương phẩm, cấu kiện bê-tông dự ứng lực của TCT Xây dựng Hà Nội; các sản phẩm vật liệu, thiết bị, phụ tùng, phụ kiện phục vụ công trình cấp thoát nước, xử lý nước sạch, nước thải của TCT Viwaseen và các sản phẩm cấu kiện bê-tông, kết cấu thép, sản phẩm đất sét nung của TCT Xây dựng Bạch Ðằng.
Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam đánh giá, việc triển khai chương trình phối hợp trong lĩnh vực sản xuất và sử dụng VLXD phục vụ chương trình nhà ở là cần thiết, không những tạo điều kiện cho các đơn vị thành viên của tập đoàn tăng cường tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường mà còn tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động sử dụng các yếu tố đầu vào, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, việc tiếp cận và sử dụng có hiệu quả kết quả nghiên cứu cơ hội đầu tư và thông tin thị trường giữa các đơn vị sẽ góp phần quảng bá thương hiệu HUD của tập đoàn cũng như thương hiệu riêng của mỗi đơn vị. Bên cạnh đó, chương trình này sẽ tạo chủ động cho nhà sản xuất áp dụng công nghệ mới để đưa ra thị trường các sản phẩm có chất lượng, thân thiện môi trường, giảm giá thành nhằm phục vụ chương trình nhà ở một cách thiết thực, hiệu quả và chắc chắn người dân sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, phía tập đoàn cũng cần lưu ý làm tốt công tác vận hành, quan hệ mua bán hàng hóa phải theo nguyên tắc thị trường, giá cả, chất lượng, dịch vụ phải cạnh tranh, song song với việc chủ động, cải thiện dịch vụ chăm sóc khách hàng đối với các đơn vị thành viên trong tập đoàn. Tập đoàn cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, phương thức vận hành nhằm xây dựng Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam là hình mẫu về mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước, vừa bảo đảm sự tham gia điều tiết thị trường đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện để các đơn vị thành viên phát huy tính năng động của mình.
Theo Báo Nhân dân