Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tiền tệ Quốc gia cho rằng: “Nếu vỡ bong bóng BĐS cũng phải mất chục năm nữa!
Có ý kiến lo ngại thị trường BĐS Việt Nam đang ở tình trạng bong bóng và bong bóng này có thể vỡ bất cứ lúc nào. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?
- Bong bóng BĐS chỉ nổ với ba điều kiện sau: Thu nhập bình quân đầu người cao (trên 5.000USD/người/năm); tốc độ tăng trưởng GDP cao và liên tục trong nhiều năm; phụ thuộc vào chính sách tiền tệ/nền tảng tài sản (bản thân tài sản tạo ra tăng trưởng). Tuy nhiên, xét ba điều kiện đó, Việt Nam còn lâu mới đạt được và do vậy thị trường BĐS chưa nổ ngay được và đây vẫn là kênh được lựa chọn để đầu tư, ít ra trong khoảng một chục năm nữa.
Tuy nhiên, với sự siết chặt tín dụng hiện nay, giá BĐS giảm mạnh, theo ông, liệu có sự tháo chạy của nhà đầu tư khỏi thị trường?
- Giá nhà đất ở TPHCM từ đầu năm 2011 đến nay đang có xu hướng giảm do tín dụng ngân hàng cho vay BĐS tại TPHCM chiếm tới 50%, thị trường có hiện tượng cung vượt xa cầu, trong khi đó, tại Hà Nội cung còn nhỏ hơn cầu, tín dụng cho vay BĐS của các ngân hàng ở Hà Nội mới chỉ chiếm 20%. Mặt khác, theo tôi được biết, làn sóng đầu cơ cá nhân khu vực phía Bắc rất lớn. Điều này khiến cho giá BĐS ở Hà Nội luôn cao hơn TPHCM. Nếu đâu đó có sự tháo chạy, cắt lỗ thì cũng chỉ là ở một bộ phận nhỏ, không đáng kể so với nguồn lực chung của toàn thị trường.
Vậy theo ông, có nên mạnh dạn đầu tư BĐS thời điểm này?
- Tôi cho rằng, trong các phân khúc BĐS đang giao dịch trên thị trường hiện nay thì đất nền hiện chiếm vị trí số 1 và khả năng giữ giá là rất tốt. Trong bối cảnh thị trường đang trầm lắng, một số nhà đầu tư cần tiền do vậy buộc phải bán rẻ hơn giá thị trường để thu tiền về. Đây là cơ hội cho người có tiền thực, nhu cầu thực mua nhà bởi sau một thời gian thị trường trầm lắng, BĐS sẽ dần trở về giá trị thực. Thời và thế đang thuộc về phía người mua.
- Xin cảm ơn ông!
BĐS sắp được cứu? Trong tháng 6 này, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phân tích, đánh giá và báo cáo Chính phủ về tình hình hoạt động của thị trường BĐS, chứng khoán. Đây là một trong những yêu cầu được Chính phủ đưa ra trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm tại phiên họp thường kỳ tháng 5 vừa diễn ra vào ngày 1 và 2.6 vừa qua. Với thị trường chứng khoán sụt giảm; thị trường BĐS đang có diễn biến bất thường trong 5 tháng qua, Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất giải pháp tổ chức, quản lý phù hợp nhằm phát triển ổn định, có hiệu quả hai thị trường này, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Thông tin này đang được giới đầu tư đón nhận hết sức vui mừng, như một tín hiệu tốt, tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Trên thực tế, lãi suất cao gây áp lực đối với vốn vay ngân hàng, thị trường giao dịch chững lại, nên bắt buộc một số doanh nghiệp BĐS phải tìm đường ra cho mình bằng cách chấp nhận giảm giá từ 15-25% để thu hồi vốn trả nợ vay ngân hàng, đã góp phần làm méo mó giá trị thực của BĐS. Thị trường đứng trước sức ép giảm giá, tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn rất lạc quan cho rằng, giá sẽ khó có giảm sâu. S.M |
Minh Nhật thực hiện
Theo Báo Lao động