Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thành phố Hà Nội có gần 170.000 thửa đất và 500.000 căn hộ chưa có sổ đỏ. Cụ thể, tại chung cư cao cấp số 15-17 Ngọc Khánh (Ba Đình), The Manor (Từ Liêm), Golden Westlake (Ba Đình), Ciputra (Tây Hồ), khu nhà thấp tầng Đại Mỗ (Từ Liêm)…, sau 5 năm dọn đến ở, người dân vẫn chưa được cấp sổ đỏ.
Hay chung cư 101 Láng Hạ (Đống Đa), mặc dù sinh sống từ năm 2007 đến nay, nhưng các hộ dân ở đây luôn trong tình trạng bức xúc vì cảm giác “ăn nhờ ở đậu.” Các hộ dân ở khu đô thị Văn Quán, Định Công, Đại Kim đã mua nhà từ năm 2004 nhưng đến nay vẫn chỉ cầm trong tay hợp đồng mua bán với chủ đầu tư…
Nhà xây, bán đã lâu, sổ đỏ không thấy đâu
Bỏ tiền tỷ ra mua căn hộ chung cư và mặc dù đã ở 3 năm, 5 năm, thậm chí 10 năm nhưng nhiều cư dân ở đó đang mòn mỏi chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà hay còn gọi là "sổ đỏ."
Các chủ đầu tư liên tục thất hứa và phá vỡ cam kết giao "sổ đỏ" cho khách hàng mua nhà trong nhiều năm. Còn người dân không biết kêu ai bởi khi ký hợp đồng mua bán căn hộ với chủ đầu tư không có ràng buộc về thời hạn bàn giao "sổ đỏ."
Việc chưa được cấp sổ đỏ ảnh hưởng rất nhiều đến công việc kinh doanh, thế chấp vay vốn ngân hàng, nhập hộ khẩu, chuyển nhượng, sang tên... tài sản của người dân. Chị Thanh Lam, cư dân khu đô thị Định Công nói: “Tin tưởng cam kết của chủ đầu tư sẽ giao giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ, vợ chồng tôi cố vay tiền bố mẹ, họ hàng, bạn bè để mua nhà, định khi nào có sổ đỏ sẽ thế chấp ngân hàng trả nợ. Thế nhưng, từ khi nhận nhà đến nay đã 5 năm vẫn phải chờ đợi trong vô vọng.”
Theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 01/2009/TT-BXD ngày 25/2/2009 của Bộ Xây dựng về việc quy định một số nội dung về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và hướng dẫn mẫu hợp đồng mua bán căn hộ nhà chung cư trong dự án đầu tư xây dựng, bên bán có trách nhiệm làm thủ tục để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho bên mua căn hộ nhà chung cư và làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở lần đầu khi mua căn hộ nhà chung cư trong dự án đầu tư xây dựng.
Như vậy, chủ đầu tư dự án chung cư có nghĩa vụ hoàn tất mọi thủ tục xin cấp chủ quyền công trình. Vì thế, việc giao chủ quyền nhà không đơn thuần là điều khoản trong hợp đồng mà là trách nhiệm trước pháp luật.
Chủ đầu tư hứa lèo, dân "ù xọe" trong mua bán
Theo ông Trần Phi Hùng, Cục trưởng Cục Đăng ký và Thống kê, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, có nhiều nguyên nhân gây ra việc chậm cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại các khu đô thị, từ phía chủ đầu tư, từ cơ quan Nhà nước và từ người dân. Trong đó, nguyên nhân từ chủ đầu tư là lớn nhất, nhiều dự án vi phạm pháp luật đất đai, pháp luật xây dựng như xây dựng không đúng quy hoạch, chưa xây xong đã bán…
Qua tìm hiểu, tại dự án Hòa Bình Green Apartment, lý do chưa làm được sổ đỏ, là do chủ đầu tư xây vượt phép 3 tầng (từ 21 tầng lên 24 tầng) hay tại dự án chung cư 101 Láng Hạ, chủ đầu tư chưa thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và chưa nộp tiền sử dụng đất đã triển khai xây dựng và bán căn hộ ra thị trường.
Còn với dự án khu nhà ở thấp tầng Đại Mỗ, chủ đầu tư phân chia diện tích lô không đúng với quy hoạch đã được phê duyệt, không theo giấy phép xây dựng đã được cấp và tình trạng mua đi bán lại nhà đất theo hình thức hợp đồng ủy quyền cho người mua để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận nên khó làm thủ tục…
Tại The Manor, thì vấn đề do chưa hoàn tất thủ tục chuyển nhượng, thuế đất của chủ đầu tư với đối tác. Còn khu Keangnam, hợp đồng ký nói sổ đỏ cấp lâu dài và ngay sau khi giao nhà... 30 ngày, nhưng đến nay thì thông tin mập mờ, rối tinh, lúc lâu dài, lúc thời hạn 50 năm, cư dân không biết đằng nào mà lần, cũng không biết hỏi ai?
Về phía cơ quan Nhà nước, ông Hùng cho rằng do việc quản lý giám sát trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư chưa chặt chẽ, để xảy ra nhiều sai phạm, không phát hiện và xử lý kịp thời, hoặc có kiểm tra, phát hiện nhưng xử lý chậm, chưa cương quyết, chủ động… nên những thủ tục pháp lý cần thiết không hợp lệ đã thành "hệ thống dây chuỗi." Các cơ quan chức năng cấp quyền sở hữu thì dựa trên hồ sơ, nên cứ khúc mắc khâu này, khâu nọ.
Chưa kể đến trong thời kỳ bất động sản "nóng" thì nhiều dự án có mức độ chuyển nhượng mua đi bán lại với tỷ lệ lớn, chính bản thân khách hàng (khoảng 70%) do sợ làm thủ tục sẽ phải chịu thuế, phí, đặc biệt là phí trước bạ mà tránh sang tên. Mặt khác, cũng chính khách hàng chưa nghiên cứu kỹ các hợp đồng với chủ đầu tư, nên thành rơi vào thế "cầm dao đằng lưỡi."
Chính quyền quyết liệt vào cuộc
Tình trạng người dân mong mỏi chờ giấy chứng nhận này không chỉ diễn ra ở Hà Nội mà còn ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Do đó, Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 05/CT-TTg, về việc tập trung chỉ đạo và tăng cường biện pháp thực hiện để trong năm nay hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các địa phương có mức độ tồn đọng giấy chứng nhận cao cần tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách đất đai liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận.
Để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận tại các dự án phát triển nhà ở, Hà Nội yêu cầu các chủ đầu tư từ nay đến 31/7 năm nay tự kiểm tra, rà soát tình hình, kết quả, xác định cụ thể những khó khăn, vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, cá nhân mua nhà tại dự án. Nếu sau thời hạn trên, đơn vị nào chưa tổ chức thực hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thanh, kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật đất đai và trách nhiệm đối với chủ dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
Các bộ, ngành liên quan cũng phải rà soát các quy định thuộc lĩnh vực quản lý có liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận để đề xuất, sửa đổi và hướng dẫn giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện tại các địa phương... Đây có lẽ là tín hiệu đáng mừng cho tất cả những người dân đang mong chờ có "sổ đỏ," đặc biệt là các cư dân đang sinh sống tại các khu đô thị./.
Theo VietNamPlus