(HUD) Ngày 20/03/2012, tại trụ sở Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) Nhóm nghiên cứu của Công ty CP Lắp máy điện nước và xây dựng – Cowaelmic (Thuộc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội) đã có buổi tọa đàm, giới thiệu về công nghệ mới trong xây dựng nhà cao tầng - xu hướng phát triển ở Việt Nam với Lãnh đạo Tập đoàn HUD.
Trong buổi giới thiệu có ông Vũ Hoàng Minh – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP lắp máy điện nước và xây dựng (Cowaelmic), Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu; Tiến sỹ Trần Hữu Hà – Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ Bộ Xây dựng và các Tiến sỹ, thạc sỹ trong nhóm nghiên cứu thuộc Công ty CP lắp máy điện nước và xây dựng (Cowaelmic); Tập đoàn HUD có ông Nguyễn Đăng Nam – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn; ông Nguyễn Thanh Minh – Phó Chủ tịch HĐTV Tập đoàn; ông Nghiêm Văn Bang – Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc Tập đoàn; ông Nghiêm Sỹ Minh – Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội; cùng các Phó tổng giám đốc Tập đoàn và trưởng các phòng ban, chuyên viên của Tập đoàn.
Ông Vũ Hoàng Minh đang giới thiệu về công nghệ mới trong xây dựng nhà cao tầng với Lãnh đạo Tập đoàn |
Tại buổi Tọa đàm, ông Vũ Hoàng Minh cho biết, xuất phát từ nhu cầu xây dựng nhà cao tầng tại các khu đô thị lớn trong cả nước, Công ty Cowaelmic đã tiến hành thực hiện Đề tài nghiên cứu ứng dụng kết cấu thép hình – bê tông hỗn hợp, sàn, tường 3D để thay thế kết cấu khung bê tông cốt thép sàn đổ bê tông toàn khối đang được sử dụng phổ biến trong xây dựng nhà cao tầng tại Việt Nam. Ứng dụng kết cấu thép hình – bê tông hỗn hợp, sàn, tường 3D qua thực tế triển khai tại công trình cho thấy một số ưu điểm nổi bật như: Khả năng chịu lực, công năng sử dụng cao hơn so với kết cấu bê tông cốt thép truyền thống; Tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí nhân công, kiểm soát được chất lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do phần lớn các kết cấu được công xưởng hóa, rút ngắn thời gian thi công, giảm giá thành công trình… đến nay, Đề tài đạt được những kết quả bước đầu khả quan. Công ty Cowaelmic đã và đang triển khai áp dụng vào một số công trình. Để đáp ứng nhu cầu thực tế, nhóm nghiên cứu mong muốn tiếp tục hoàn thiện và tối ưu hóa công nghệ, hạ giá thành sản phẩm để nhà ở tiếp cận với người dân.
Đồng chí Nguyễn Đăng Nam – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn phát biểu tại buổi giới thiệu công nghệ mới |
Qua giới thiệu của nhóm nghiên cứu, Chủ tịch Tập đoàn đã đánh giá cao Đề tài đồng thời gợi ý một số vấn đề mà Nhóm cần bổ sung trong thời gian tới như: Cần nghiên cứu đưa ra quy chuẩn kết cấu thép hình – bê tông hỗn hợp, công nghệ sàn 3D, công nghệ tường 3D để tính toán tuổi thọ của công trình khi đưa vào sử dụng; cần đào tạo nguồn nhân lực và có hướng dẫn thi công thực tế. Chủ tịch Tập đoàn cũng chỉ đạo Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng HUD-CIC và Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu công nghệ mới trong xây dựng nhà cao tầng cùng phối hợp xác định mức đầu tư, giá thành và đưa công nghệ mới kết cấu thép hình – bê tông hỗn hợp, công nghệ sàn 3D, công nghệ tường 3D áp dụng vào việc đầu tư xây dựng những dự án nhà ở xã hội cũng như các dự án nhà ở cao tầng được Tập đoàn đầu tư trên địa bàn cả nước để từ đó dần từng bước giúp giảm giá thành, làm cơ sở để Tập đoàn cung cấp nhiều nhà ở có giá hợp lý nhất tới người dân.
Những đặc tính ưu việt của công nghệ này:
I. Kết cấu thép hình – bê tông hỗn hợp: Khả năng chịu lực và độ tin cậy cao, giảm tiết diện cột, dầm tạo cho kết cấu công trình gọn nhẹ, tăng không gian sử dụng; giảm trọng lượng tĩnh tải của công trình xuống móng 30%-40% so với kết cấu bê tông truyền thống. Do đó giảm chi phí cho phần móng của công trình từ 10-15%. Ứng dụng khá hiệu quả trong trường hợp kết cấu công trình nằm trong vùng có động đất (nhận định này được khẳng định tại Nhật Bản); các cấu kiện chịu lực (dầm, cột, giàn… ) sử dụng trong kết cấu thép bê tông hỗn hợp được công xưởng hóa nên đảm bảo kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra lắp đặt tại công trình; Giảm thiểu tối đa rác thải công trường, thân thiện với môi trường. Đặc biệt linh hoạt khi cần tháo dỡ, sử dụng lại khung hoặc tái chế; Giảm khoảng 30% thời gian thi công so với phương pháp sử dụng kết cấu bê tông cốt thép truyền thống, đưa công trình nhanh vào khai thác tăng khả năng quay vòng vốn của chủ đầu tư.
II. Công nghệ sàn 3D: Bao gồm hai lớp lưới thép trên và dưới kết hợp với hệ dầm không gian bố trí ở giữa hai lớp thép, xen kẽ giữa các dầm không gian được bố trí các khối xốp Polystyrene rỗng. Với cấu tạo này, khi đổ bê tông sàn sẽ tạo ra tấm sàn có độ rỗng do các tấm xốp tạo ra nên làm giảm trọng lượng của sàn, cho phép sàn vượt được các khẩu độ lớn và có những ưu điểm như: có thể sản xuất tại nhà máy hoặc tại công trường; vận chuyển, lắp đặt dễ dàng, thi công lắp đặt không cần nhân công có trình độ cao; sàn 3D được bố trí các tấm xốp nên trọng tải giảm đáng kể, tăng khả năng cách âm, cách nhiệt cho công trình.
III. Công nghệ tường 3D: Tấm 3D panel với kết cấu 3 chiều hình thành bởi lưới thép đan vào nhau, ở giữa là lớp mút xốp có tác dụng cách âm, cách nhiệt, có khả năng chịu lực cao hơn tường gạch, chịu được trọng tải gấp 3,5 lần tường gạch, chống cháy chịu được nhiệt độ 1.000 độ C trong 2 giờ, dễ tạo dáng kiến trúc, chịu được gió bão cấp 13 (300km/giờ), chịu được động đất cường độ mạnh trên 7,5 richte. Công nghệ kết cấu thép hình – bê tông hỗn hợp, công nghệ sàn 3D, công nghệ tường 3D đã được áp dụng vào các dự án lớn của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.