Đó là khẳng định của ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng - Ngân hàng Nhà nước, khi đề cập dự thảo thông tư quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 của Chính phủ.
°° Phóng viên: Thưa ông, nhiều ý kiến lo ngại sau 3 năm (từ thời điểm 15-4-2013) khi thông tư có hiệu lực, lãi suất cho vay mua nhà sẽ tăng cao hơn mức ưu đãi 6%/năm gây rủi ro cho người vay?
- Ông Nguyễn Viết Mạnh: Việc Ngân hàng (NH) Nhà nước đưa vào dự thảo thông tư chỉ cố định lãi suất cho vay thuê, mua nhà ở thương mại và thuê, thuê mua nhà ở xã hội 6%/năm trong 3 năm là vì phải tính đến quy luật kinh tế. Dự báo, ít nhất trong 3 năm tới, kinh tế sẽ ổn định, hy vọng lãi suất còn giảm hơn nữa.
Dự thảo thông tư còn đề cập sau 3 năm, tùy vào điều kiện kinh tế vĩ mô, NH Nhà nước sẽ công bố mức lãi suất cho vay phù hợp để tiếp tục hỗ trợ người vay. Nghĩa là, khách hàng vẫn được hưởng mức lãi suất ưu đãi, thấp hơn lãi suất trên thị trường thời điểm đó. Nếu lúc đó kinh tế vĩ mô ổn định, biết đâu lãi suất sẽ giảm về mức 4%-5%/năm, thay vì 6%/năm như thời điểm khách hàng vay. Còn nếu quy định cứng nhắc lãi suất cụ thể là bao nhiêu thì rất khó!
°° Bộ Xây dựng đã có văn bản đề xuất nên dành 65% khoản tín dụng trong gói 30.000 tỉ đồng cho khách hàng vay thuê, mua nhà; 35% còn lại cho doanh nghiệp (DN) bất động sản vay. Ý kiến của NH Nhà nước ra sao?
- Dư nợ tín dụng liên tục biến đổi nên NH Nhà nước không thể quy định mức cụ thể cho từng nhóm đối tượng được hỗ trợ. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đang có công cụ rất lớn trong tay để nắn dòng vốn này vào đúng đối tượng. Cụ thể, chỉ những DN nào Bộ Xây dựng đưa qua, NH Nhà nước mới hỗ trợ cấp vốn chứ không phải DN nào muốn vay cũng được. Vả lại, nếu không hỗ trợ DN xây dựng lấy đâu sản phẩm giá rẻ để bán ra thị trường. NH Nhà nước và Bộ Xây dựng sẽ phối hợp nghiên cứu thêm về đề xuất cơ cấu nguồn vốn 65% cho khách hàng cá nhân và 35% cho DN.
Theo quan điểm của NH Nhà nước, người tiếp cận đầu tiên và dễ nhất với gói hỗ trợ này là người vay mua nhà. Bởi ngay khi thông tư có hiệu lực, người vay mua nhà có thể đến NH thương mại nộp hồ sơ xin vay.
°° Dư luận băn khoăn làm sao để có thể kiểm soát dòng tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng, các NH thương mại cho vay đúng mục đích, tránh được tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi?
- Với người thu nhập thấp, không có việc làm ổn định, khi vay cần có giấy chứng nhận của phường, xã. Với CNVC - LĐ cần xác nhận, chứng minh thu nhập từ cơ quan làm việc… Tại các NH thương mại, hồ sơ vay vốn của khách hàng đều được quản lý, lưu trên Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC). Khi khách hàng đến một NH vay vốn, cán bộ tín dụng có thể kiểm tra trên CIC sẽ biết khách hàng đã từng vay mua nhà ở NH nào chưa hoặc NH phải kiểm tra cụ thể trên thực tế, bảo đảm mỗi khách hàng chỉ được vay mua nhà 1 lần.
Năm NH tham gia gói hỗ trợ lần này là NH thương mại Nhà nước nên ngoài hoạt động kinh doanh cần có trách nhiệm hỗ trợ chính sách. Con số 30.000 tỉ đồng so với dư nợ tín dụng của 5 NH cũng không phải lớn, cộng thêm cơ quan thanh tra, giám sát NH, cơ quan kiểm toán sẽ giám sát nên việc đưa dòng vốn đúng đối tượng là có thể thực hiện được. Ngoài ra, NH Nhà nước chỉ hỗ trợ tái cấp vốn 30.000 tỉ đồng, việc cho vay phải bảo đảm thu hồi nợ, kiểm soát khoản vay là trách nhiệm của NH thương mại.
°° Theo dự thảo thông tư, mỗi NH thương mại phải dùng lượng vốn tối thiểu 3% tổng dư nợ cho vay tại thời điểm cuối năm trước để người thu nhập thấp vay mua, thuê mua nhà ở. Mức lãi suất cho vay của khoản này là bao nhiêu, thưa ông?
- Nguồn vốn các NH thương mại tham gia hỗ trợ cùng gói 30.000 tỉ đồng của NH Nhà nước khoảng 15.000 tỉ đồng. Như vậy, sẽ có khoảng 45.000 tỉ đồng dành cho đối tượng thu nhập thấp vay mua nhà. Tuy nhiên, phần tín dụng 15.000 tỉ đồng của 5 NH thương mại sẽ cho vay với lãi suất thị trường, có thể từ 11%-13%/năm tùy thuộc vào điều kiện tài chính của NH và khả năng trả nợ của khách hàng.
Đã báo cáo Thủ tướng Đề cập việc không đưa đối tượng vay mua nhà ở xã hội vào thông tư, ông Nguyễn Viết Mạnh giải thích: Chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến về việc này. NH Nhà nước cũng mong muốn cho đối tượng vay mua nhà xã hội vào gói hỗ trợ nhưng trong Nghị quyết 02 của Chính phủ không đề cập, các văn bản tư pháp chưa đưa vào, nếu NH Nhà nước tự ý bổ sung đối tượng này sẽ bị Bộ Tư pháp tuýt còi. Liên quan đến việc mua nhà ở xã hội hiện nay còn nhiều vấn đề. Sắp tới nếu Bộ Xây dựng đưa ra các thông tư, nghị định hoàn chỉnh về nhà ở xã hội sẽ giúp người thu nhập thấp có cơ hội mua nhà ở xã hội nhiều hơn... Phần còn lại của dự thảo, thế nào là đối tượng thu nhập thấp, căn hộ có diện tích bao nhiêu m2 là phù hợp với nhu cầu, thị trường… thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng và các ban ngành, NH Nhà nước không thể can thiệp. Khi quy định càng rõ ràng, minh bạch, chính sách sẽ được thực hiện tốt và đúng đối tượng. |
THÁI PHƯƠNG
Theo NLD.com.vn