Có đến 80 - 90% tài sản thế chấp trong hệ thống NH là đất đai và bất động sản, điều này làm cho tình hình càng trở nên phức tạp hơn.
Miêu tả về thị trường bất động sản hiện nay, nhóm nghiên cứu vĩ mô của ngân hàng Standard Chartered đã nói: “Đóng băng” là từ thường được sử dụng để miêu tả tình trạng hiện nay của lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam. Việc thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ trong năm 2010 - 2011 đã hạn chế đáng kể đầu tư và đầu cơ, đặc biệt là trong thị trường bất động sản.
Theo các nguồn tin mà ngân hàng này hiện có, các ngân hàng thương mại vẫn chưa mặn mà cho vay, các nhà đầu tư không có khả năng hoặc không có động lực đầu tư, trong khi người cần mua nhà thực sự không thể mua nhà và vẫn đang ở trạng thái "chờ xem".
Thanh khoản của thị trường bất động sản hiện đang thấp, tồn kho cao và một số lượng lớn các dự án còn dang dở.
Theo báo cáo thị trường BĐS Việt Nam Q4/2012 của Colliers International, giá căn hộ đã giảm 10 - 35% trên tất cả các phân khúc thị trường thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn này.
Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ có liên quan đến bất động sản của các ngân hàng chỉ ở mức trên 10%. Tuy nhiên, 80 - 90% tài sản thế chấp trong hệ thống ngân hàng là đất đai và bất động sản, điều này làm cho tình hình càng trở nên phức tạp hơn.
Do tầm quan trọng của lĩnh vực bất động sản, Chính phủ đã cam kết sẽ phục hồi thị trường trong tương lai gần. Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có vài chi tiết được tiết lộ.
Theo ngân hàng này, cả 3 khu vực có vấn đề đều có liên quan đến lĩnh vực bất động sản.
Trước tiên, cả ngành ngân hàng Việt Nam đều đang gánh chịu hậu quả của suy thoái trong thị trường bất động sản. Đây được coi là chất xúc tác dẫn đến tình trạng nợ xấu tăng cao tại các ngân hàng.
Tình hình càng trở nên tệ hơn do việc không trích lập dự phòng nợ xấu đầy đủ, quản trị rủi ro yếu kém và giám sát không hiệu quả của hệ thống ngân hàng.
Theo Fitch, việc phân loại nợ lỏng lẻo đang gây ra trích lập thiếu, làm tăng thêm lợi nhuận và nguồn vốn của ngân hàng.
Trong khi đó, các DNNN, nhà đầu tư chính trong thị trường BĐS, lạm dụng tín dụng giá thấp trong thời kỳ bùng nổ tín dụng, làm tình hình càng trở nên phức tạp.
Vì thế, ngân hàng này bày tỏ tin rằng rất cần phải cải cách cả ba lĩnh vực (Ngân hàng, DNNN và thị trường bất động sản) và việc cải cách phải thực hiện theo hướng kết hợp.
Khánh Linh
Theo TTVN