Giấc mơ nhà giá rẻ
Từ vài tháng nay, với số tiền 900 triệu đồng tích góp, vợ chồng anh Trần Quang Dũng lăn lộn khắp các phố phường tìm mua một căn hộ ở những khu tập thể cũ. Thế nhưng cứ mỗi lần hỏi giá thì lại một lần thất vọng đối với anh vì không đủ tiền mua. Căn phòng mà gia đình anh Dũng đang thuê vỏn vẹn 16m2 trên tầng 5 của khu tập thể Kim Giang (Hà Nội). Không bàn ghế tiếp khách, chỉ một chiếc phản kê ở góc phòng, nơi vừa là "phòng khách", "phòng ăn" của cả gia đình, rồi còn dành chỗ nghỉ cho em trai anh Dũng đang theo học đại học. Phía trên chiếc phản này là cái gác xép, dành riêng cho vợ chồng anh cùng đứa con đầu lòng mới ba tuổi. Chị Nguyễn Ngọc Lan, vợ anh Dũng không giấu vẻ lo lắng: "Cuối năm nay sinh thêm em bé thì không biết sẽ ở thế nào đây". Chuyển hướng sang tìm kiếm mua nhà ở cho người thu nhập thấp cũng không hề đơn giản đối với gia đình anh Dũng, chị Lan. Hỏi một số chủ hộ ở đây thì anh chị được biết, người mua cũng phải qua mấy lần trung gian và ít ai mua được nhà với cái giá gốc ban đầu.
Vợ chồng anh Dũng, chị Lan chỉ là một trong số nhiều người lao động hiện vẫn đang phải thuê nhà vì không có đủ tiền mua được nhà. Chị Lê Thị Thủy, giáo viên một trường mầm non tư thục tại Hà Nội cho biết: "Tôi cũng đọc báo biết về chương trình nhà ở dành cho người thu nhập thấp, nhưng với đồng lương hơn bốn triệu đồng/tháng thì mua được một căn hộ chỉ là giấc mơ. Trước đây, mức giá khoảng 10 triệu đồng/m2 mặc dù hơi cao nhưng có thể chấp nhận được. Còn gần đây, giá cả tăng cao, nhiều khu nhà ở thu nhập thấp rao bán với giá hơn 14 triệu đồng/m2 thì vợ chồng tôi tích cóp đến bao giờ mới mua được nhà nữa".
Ðến thời điểm này, đã có 39 tỉnh, thành phố xây dựng và ban hành Chương trình phát triển nhà ở của địa phương đến năm 2020 theo quy định của Luật Nhà ở; hai địa phương đang xúc tiến xây dựng chương trình, còn 22 địa phương chưa xây dựng, chủ yếu là các tỉnh có mật độ dân số thấp, thuộc địa bàn khó khăn. Các địa phương lại có cơ cấu nhà ở khác nhau, chẳng hạn như tại tỉnh Bình Dương thiếu nhà ở cho công nhân, tại Hà Nội lại thiếu nhà ở cho người thu nhập thấp... Theo Bộ Xây dựng, hiện nay tại các khu công nghiệp mới chỉ có khoảng 20% tổng số công nhân lao động có chỗ ở ổn định, số còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm. Với đối tượng sinh viên, số lượng ký túc xá cũng chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu. Hầu hết sinh viên phải thuê nhà trọ của tư nhân, diện tích ở chật hẹp, điều kiện vệ sinh, môi trường kém. Nguyễn Thị Thu Hiền, sinh viên Trường cao đẳng Kinh tế cộng đồng đang thuê nhà chung với hai người bạn tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ: "Với mức giá thuê 900 nghìn đồng/tháng một căn hộ khoảng 15 m2 khép kín, mấy đứa em không còn cách nào khác phải cùng chung thuê nhà. Cũng may ba đứa đều quen biết nhau và cùng quê nên sinh hoạt khá thoải mái. Trước khi nhập học, em cũng đã thăm dò chỗ ở tại ký túc xá của trường, nhưng số lượng có hạn nên không đăng ký được".
Vướng mắc từ cơ chế, chính sách ưu đãi
Thực tế cho thấy, do Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ trực tiếp về nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp, các hộ nghèo tại khu vực đô thị, trong khi các doanh nghiệp (DN) chỉ chú trọng phát triển các dự án nhà ở thương mại để bán cho các đối tượng có thu nhập cao và các hộ gia đình khá giả, cho nên các đối tượng khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị như cán bộ, công chức, viên chức, công nhân... không đủ khả năng tài chính để cải thiện chỗ ở. Chi phí đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội thường đòi hỏi nguồn vốn lớn, các DN muốn tham gia đầu tư thì phải vay ngân hàng với lãi suất cao, trong khi lợi nhuận thu được lại thấp, thời gian thu hồi vốn dài, chính sách ưu đãi hỗ trợ của Nhà nước còn ít, hầu hết các DN đều không "mặn mà" tham gia đầu tư xây dựng. Ðiều này dẫn đến tình trạng cầu luôn ít hơn cung và hệ quả tất yếu là rất ít đối tượng có thu nhập thấp mua được nhà giá rẻ.
Theo Trưởng Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản Phạm Trung Tuyến, sau ba năm triển khai Chương trình phát triển nhà ở, đến nay đã có 153/251 khối nhà ở sinh viên được hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng khoảng 130 nghìn chỗ ở, 9/27 dự án nhà ở cho công nhân lao động tại khu công nghiệp được hoàn thành bàn giao, đáp ứng khoảng gần 28 nghìn chỗ ở, 1% số nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị, đáp ứng chỗ ở khoảng 8.000 người. Mặc dù, chương trình phát triển nhà ở xã hội được các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân ủng hộ, nhưng thực tế triển khai gặp khá nhiều vướng mắc, chủ yếu do cơ chế, chính sách ưu đãi đối với DN đầu tư xây dựng, khả năng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (ngoài các dự án nhà ở sinh viên được hỗ trợ hoàn toàn từ nguồn vốn ngân sách). Hiện mới có một dự án nhà ở cho công nhân và chín dự án nhà ở cho người thu nhập thấp được ký hợp đồng tín dụng cho vay ưu đãi với tổng số vốn vay là gần 1.100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Quỹ Phát triển nhà và các ưu đãi, hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng rất hạn chế, dẫn đến nhiều dự án nhà ở xã hội bị đội giá xây dựng, làm giảm khả năng tiếp cận của các đối tượng có nhu cầu. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bê-tông Vinaconex - Xuân Mai, Ðặng Hoàng Huy chia sẻ: Công ty cam kết sẽ tiếp tục các dự án nhà ở xã hội đang triển khai. Tuy nhiên, một số chính sách hiện không còn phù hợp, chẳng hạn như việc miễn giảm thuế chỉ được thực hiện hết năm 2009, trong khi các dự án được hoàn thành thường mất từ một đến hai năm. Hơn nữa, trong khi chờ đợi chính sách cởi mở từ phía Ngân hàng Phát triển Việt Nam, các DN đầu tư xây dựng nhà ở xã hội vẫn phải vay từ nguồn vốn ngân hàng thương mại với lãi suất cao, chưa kể việc thắt chặt tín dụng của các ngân hàng theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, việc tiếp cận các nguồn vốn này càng khó khăn hơn. DN hiện nay phải cố gắng duy trì sản xuất, áp dụng các công nghệ mới để hạ giá thành sản phẩm.
Thực hiện các giải pháp đồng bộ
Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, để thúc đẩy chương trình nhà ở xã hội, năm 2012 cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về rà soát các dự án bất động sản, trong đó tập trung rà soát quỹ đất 20% dành cho phát triển nhà ở xã hội tại các dự án phát triển nhà ở quy mô từ 10ha trở lên. Bộ Xây dựng đã thành lập đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản và tiến hành kiểm tra tình hình sử dụng quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội, bước đầu cho thấy đã xảy ra tình trạng lách luật khi một số chủ đầu tư dự án tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh xin đăng ký đầu tư các dự án dưới 10 ha. Hiện chưa có chế tài bắt buộc các chủ đầu tư phải dành 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.
Nhằm tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp tiếp cận được các chương trình nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đang gấp rút xây dựng Ðề án Quỹ tiết kiệm nhà ở, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 3 này. Theo đề án này, Quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ xây dựng theo mô hình chuyên phục vụ người thu nhập thấp vay mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc cho DN vay đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp. Nguồn vốn được hình thành từ tiền sử dụng đất dự án nhà thương mại, ngân sách, nguồn tiết kiệm của đối tượng tham gia, lợi nhuận từ phát hành xổ số, trái phiếu... Mô hình thứ hai áp dụng cho người thu nhập trung bình vay mua nhà thương mại. Việc tham gia quỹ là tự nguyện, không bắt buộc. Ðây sẽ là một kênh huy động vốn khá hiệu quả, mở ra cơ hội để người dân tiếp cận được nhà ở và đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế còn lo ngại về khả năng nảy sinh tiêu cực trong quá trình vận hành cũng như khả năng huy động vốn từ kênh này.
Một giải pháp nữa đang được Bộ Xây dựng tập trung là nghiên cứu mô hình phát triển nhà cho thuê. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại cuộc họp triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2012 của Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cần tập trung nghiên cứu phát triển loại hình nhà ở cho thuê, các doanh nghiệp chuyên cho thuê nhà cùng các cơ chế, chính sách kèm theo. Hiện nay, tỷ lệ nhà cho thuê ở nước ta đạt khoảng 11%, trong khi nhiều nước trên thế giới tỷ lệ này từ 80 đến 90%. Ðây sẽ là mô hình phổ biến trong tương lai, Bộ Xây dựng cần khẩn trương nghiên cứu, sớm trình Chính phủ phê duyệt.
Một trong những nguyên nhân khiến chương trình phát triển nhà ở xã hội triển khai chậm là do các địa phương chưa quan tâm đúng mức tới chương trình này. Ðể chương trình triển khai thực hiện thành công, không chỉ một mình cơ quan chủ quản là Bộ Xây dựng gánh vác mà còn cần sự đồng thuận vào cuộc của các địa phương, coi chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội là một trong những chỉ tiêu đánh giá phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương. Ðồng thời, các địa phương phối hợp các bộ, ngành tiến hành rà soát các dự án nhà ở, điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở phù hợp nhu cầu thực tế địa phương, tránh đầu tư dàn trải, gây thất thoát, lãng phí.
Theo kết luận mới đây của Thanh tra Chính phủ về trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nhà ở thì việc xây dựng chương trình quốc gia về nhà ở giai đoạn năm năm, chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Bộ Xây dựng còn chậm. Ngoài ra, các dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên, người thu nhập thấp, chủ đầu tư cũng thực hiện chậm so với tiến độ. Bộ Xây dựng chậm thành lập các đoàn thanh tra để kiểm tra kết luận những vướng mắc trong việc thực hiện chương trình như đầu tư dàn trải, gây lãng phí vốn đầu tư, giá cho thuê giữa các địa phương không thống nhất...
Theo Nhandan.com.vn