Sau 30-40 năm, hàng trăm chung cư cũ đã trở nên lỗi thời, xuống cấp song Hà Nội mới chỉ cải tạo được 2%. Khu tái định cư xuống cấp, lại xa trung tâm khiến người dân không mặn mà với việc di dân hay đập cũ xây mới.
>Găm chung cư cũ chờ lên giá/Thị trường chung cư cũ Hà Nội biến động
Theo nghiên cứu của Tổ chức Liên hiệp quốc về nhà ở (UN-Habitat) công bố cuối tuần trước, Việt Nam có hơn 3 triệu m2 sàn nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1991 với hơn 100.000 hộ dân. Trong đó, hơn 200 khối nhà chung cư với khoảng 10.000 hộ dân đang sinh sống đã bị xuống cấp nghiêm trọng, tập trung chủ yếu tại Hà Nội, TP HCM và một số khu vực như Hải Phòng, Nam Định, Vinh…
Hàng loạt chung cư cũ đang xuống cấp và buộc phải cải tạo, xong tiến độ triển khai rất chậm. Đến nay Hà Nội mới chỉ thực hiện cải tạo, xây dựng lại được 9 khối nhà chung cư trên tổng số 434 khối, đạt hơn 2%. TP HCM tốc độ triển khai nhanh hơn, có 46 khối nhà chung cư đã được cải tạo xây dựng lại. UN-Habitat cho rằng, việc cải tạo chung cư cũ chưa có sự đồng bộ trong quy định; chưa có cơ chế và chính sách khuyến khích các hộ dân di chuyển đến các dự án ngoài khu vực trung tâm.
Việc cải tạo chung cư cũ không thể chỉ đơn thuần phá nhà hiện có để xây các cao ốc. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho hay, hiện tại, khu chung cư cũ đã biến dạng, chất lượng nhà ở xuống cấp trầm trọng, đặc biệt 70% nhà lắp ghép bị lún nứt, hư hỏng mối nối; 30% nhà nguy hiểm thiếu bảo dưỡng nâng cấp. Ông Chính cho rằng, giá trị bất động sản tại các khu chung cư cũ là rất lớn nhưng thực tế, tài sản trên đất lại ọp ẹp dẫn đến lại bất tương đồng về giá trị. Do đó, theo ông Chính, điều quan trọng là phải xác lập lại quan hệ giá trị trong việc tái khai thác tiềm năng tại chung cư cũ.
"Tạm cư và tái định cư tại chỗ để tránh xáo trộn di dân nội thành cũng như mất cân bằng cuộc sống là điều kiện cần và đủ để kế hoạch cải tạo chung cư cũ thành công", ông Chính cho hay.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Sỹ Liêm, Tổng hội xây dựng VN cho rằng, sau 30-40 năm, các chung cư cũ đã trở nên lỗi thời. Thậm chí nhiều nơi, công trình phụ chật chội, cũ nát hư hỏng đến mức nguy hiểm. Mặc dù vậy, người dân tại khu chung cư cũ không mặn mà với kế hoạch di dân bởi họ phải tái định cư ở khu vực xa thủ đô. Họ sống ở nơi tái định cư có chất lượng cuộc sống và hạ tầng xã hội kém.
"Việc cải tạo chung cư cũ không thể chỉ đơn thuần phá nhà hiện có để xây các cao ốc trên nền của nó, mà phải quy hoạch lại thành khu đô thị hiện đại, hình thành cộng đồng an sinh", ông Liêm nhấn mạnh.
Ngoài việc đối mặt với chung cư ổ chuột, ông Liêm cho rằng, đô thị cả nước, đặc biệt là Hà Nội còn đang đối mặt với nhà "siêu mỏng", "siêu méo". Điều 31 Luật Quy hoạch đô thị yêu cầu khi lập quy hoạch chi tiết trục đường mới trong đô thị, phạm vi lập quy hoạch tối thiểu là 50m mỗi bên kể từ phía ngoài chỉ giới đường đỏ của tuyến đường dự kiến. Tuy nhiên, chẳng mấy ai tuân theo luật đã dẫn đến tình trạng nhà nhà "siêu mỏng", “siêu méo" tràn lan, đô thị trở nên lem nhem.
Trong quá trình đô thị hóa, hàng loạt tòa nhà cao chót vót đã mọc lên. Thậm chí những khu tổ hợp văn phòng chung cư làm đô thị mới trở nên bát nháo. Mới đây, nhiều khu chung cư cũ trong quá trình cải tạo đã gây ra bức xúc về việc sở hữu diện tích chung, riêng. Việc chủ đầu tư chèn thêm tầng làm trung tâm thương mại để kinh doanh riêng hoặc xây thêm văn phòng khiến nhiều khu chung cư lại tăng sức ép về dân số. Việc “cấy” quá nhiều văn phòng trong các tòa nhà mới xây khiến nhiều chuyên gia lo ngại tái diễn tình trạnh chung cư ổ chuột trong tương lai.
Thạc sĩ Lã Kim Ngân, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội hiến kế, việc cải tạo các khu chung cư cũ như Khương Thượng, Phương Mai, Nguyễn Công Trứ cần dựa trên nguyên tắc kiểm soát hạn chế phát triển dân số với ngưỡng tối đa bằng số dân hiện có. Theo bà Ngân, các khu tập thể cải tạo chỉ được phép nâng tầng nếu không nằm trên các trục đường hướng tâm.
Hoàng Lan