Theo Bộ Xây dựng, hiện chỉ có hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đạt mức vốn Quỹ phát triển nhà ở 1.000 tỷ đồng.
Trong nước cũng đã có một số địa phương thành lập Quỹ phát triển nhà ở nhưng nguồn vốn vẫn rất hạn chế. Vì vậy, nhiều địa phương đang thực hiện lồng ghép nguồn vốn này vào Quỹ đầu tư phát triển.
Tại Hà Nội, nguồn vốn này cũng tồn tại dưới dạng Quỹ đầu tư phát triển và được sử dụng cho vay trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, mặc dù đã có quy định, nhưng nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo thành lập Quỹ phát triển nhà ở.
Để góp phần tăng nhanh nguồn cung về nhà ở, đặc biệt là nhà ở dành cho các đối tượng có thu nhập thấp, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ xây dựng một số quỹ đầu tư nhà ở, trong đó có Quỹ phát triển nhà ở.
Quỹ phát triển nhà ở là mô hình tổ chức tài chính nhà nước hoạt động theo nguyên tắc bảo toàn vốn, bù đắp chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động và không vì lợi ích lợi nhuận.
Vốn hình thành quỹ có thể từ các nguồn, như thu từ việc bán, cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; ngân sách địa phương hỗ trợ; huy động từ các nguồn hợp pháp; hỗ trợ hay đóng góp từ nguyện từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; trích tối thiểu 10% từ tiền sử dụng đất của các dự án phát triển nhà ở thương mại hay khu đô thị mới trên địa bàn...
Quỹ phát triển nhà ở của địa phương được miễn, giảm các loại thuế và nộp ngân sách theo quy định của Bộ Tài chính. Vì vậy, Quỹ này sẽ được sử dụng để phát triển nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn.
Hiện nay, tùy điều kiện của từng nơi mà Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, thành phố có thể ủy thác cho Quỹ đầu tư phát triển của địa phương quản lý các hoạt động của quỹ này.
Theo Thu Hằng - TTXVN/Vietnam+
|