–Tại Hội thảo “Quốc hội với yêu cầu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về kinh tế ở Việt Nam hiện nay” diễn ra từ 18-19/4 tại Đà Nẵng, các đại biểu cho rằng lĩnh vực xây dựng hệ thống pháp luật về kinh tế trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Ảnh: Chinhphu.vn |
Hệ thống pháp luật góp phần tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, huy động được nguồn vốn FDI; ghi nhận sự đa dạng các quyền tài sản như cổ phiếu, chứng khoán, quyền đầu tư…
Đã hình thành các khuôn khổ pháp lý cho việc áp dụng các thiết chế và chuẩn mực quốc tế về an toàn kinh doanh, tiền tệ, tín dụng, khuyến khích kinh doanh lành mạnh hóa hoạt động tín dụng.
Pháp luật về thuế đang được cải cách theo hướng ổn định, nuôi dưỡng nguồn thu, thủ tục đơn giản, mức thuế điều chỉnh phù hợp và ngày càng thể hiện rõ vai trò là một trong những công cụ quản lý kinh tế vĩ mô quan trọng….
Hiện có 34 văn bản pháp luật được ban hành và đi vào cuộc sống thực tế, phát huy tác dụng như Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Chứng khoán, Luật Các công cụ chuyển nhượng, Luật Kinh doanh bất động sản…
Có thể nói hệ thống pháp luật tạo lập môi trường pháp lý cho quyền tự do kinh doanh, cơ chế cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng phù hợp với tiêu chí WTO, nhất là tạo ra mặt bằng pháp luật chung cho đầu tư trong nước và nước ngoài.
Chính những cố gắng đó đã tạo điều kiện để các nước trong khối ASEAN và các nước khác trên thế giới công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường.
GS.TS Trần Ngọc Đường đưa ra 5 kiến nghị để phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN - Ảnh: Chinhphu.vn |
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đề xuất môt số giải pháp góp phần thiết thực vào việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện luật pháp trong lĩnh vực kinh tế nước nhà.
GS.TS Trần Ngọc Đường, Viện Nghiên cứu Lập pháp đưa ra 5 kiến nghị gồm xây dựng và hình thành một hệ tư duy về tính định hướng XHCN trong phát triển kinh tế làm cơ sở cho việc tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về kinh tế, dân sự, xóa bỏ sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế; phân phối lợi ích công bằng, thực hiện tốt an sinh xã hội; tiếp tục pháp lụât về sở hữu; không ngừng đổi mới tư duy trong quản lý nhà nước về kinh tế; xây dựng cơ sở kiểm soát lợi ích của các nhóm người khác nhau vào qúa trình lập pháp.
Theo TS Nguyễn Hữu Dũng - Viện khoa học, lao động và xã hội, cần hoàn thiện một số chính sách, pháp luật chủ yếu về an sinh xã hội, trong đó chú trọng hoàn thiện chính sách pháp luật về thị trường lao động và việc làm; các chính sách pháp luật về bảo hiểm, chính sách pháp luật về giảm nghèo và chính sách pháp luật về trợ giúp xã hội.
TS Vũ Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho rằng, hệ thống chính sách thuế cơ bản đã được cải cách, đơn giản, công khai, minh bạch; tách chính sách xã hội ra khỏi chính sách thuế, nhưng mức độ khá hạn chế, tính trung lập của thuế chưa cao.
Theo TS Vũ Văn Trường, cần đề ra mục tiêu cải cách hệ thống thuế phù hợp, hiệu quả.
Hội thảo “Quốc hội với yêu cầu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về kinh tế ở Việt Nam hiện nay” do Viện Nghiên cứu lập pháp trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp cùng Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường năng lực nghiên cứu lập pháp và năng lực công nghệ thông tin truyền thông cho Viện nghiên cứu lập pháp”. |
Theo Chinhphu.vn