Cùng với xu hướng ấm lên, thị trường bất động sản Hà Nội lại đang xuất hiện giá chênh trở lại, thậm chí chủ đầu tư dùng chiêu thức găm hàng đẩy giá căn hộ.
Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Dũng, Giám đốc CBRE Việt Nam.
Vì sao có hiện tượng găm hàng đẩy giá trên thị trường BĐS, thưa ông?
Nguyên nhân chính là do niềm tin thị trường đã hồi phục lại, mọi người tin rằng giá sẽ không giảm nữa mà sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, người mua trên thị trường hiện là những người có nhu cầu ở thật, sử dụng thật. Nắm bắt được điều này, giới đầu tư đã bắt đầu đầu cơ vào những dự án có thanh khoản.
Chủ đầu tư cũng có thủ pháp bán hàng của họ. Ví dụ họ có thể đưa ra bán những căn khó bán trước, găm hàng hay thông báo sẽ tăng giá căn hộ...Mục đích nhằm tạo ra sự khan hiếm giả trên thị trường để đẩy giá căn hộ.
Thưa ông, phân khúc nào bị đầu cơ, làm giá nhiều nhất?
Thông thường sẽ xảy ra với tất cả các phân khúc nhưng tập trung chủ yếu tại những dự án có mức giá từ 1.000-1.500 USD/m2. Nhưng với những phân khúc thật cao cấp với khoảng giá 4.000- 4.500 USD/m2 thì không thấy có sự đầu cơ ví dụ dự án Hoàng Thành - người mua có thể trực tiếp đến mua từ chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, trong một dự án sẽ có những căn có vị trí đẹp và vị trí không đẹp, hay diện tích quá lớn. Vì vậy, những căn hộ có diện tích vừa phải vị trí đẹp thì đương nhiên sẽ bị đầu cơ.
Hiện tượng đầu cơ, làm giá là do thị trường chưa được minh bạch?
Thẳng thắn mà nói hiện thị trường BĐS Việt Nam quá non trẻ. Tuy rằng, chúng ta đã có sàn giao dịch BĐS, tuy nhiên việc sử dùng sàn giao dịch và sự quản lý thị trường của các cơ quan quản lý vẫn chưa hiệu quả. Điều này khiến thị trường BĐS vẫn còn tình trạng làm giá.
Lời khuyên của ông cho những khách hàng, những người muốn mua nhà để ở tại thời điểm khi sự đầu cơ hay sự làm giá đã quay trở?
Tôi nghĩ, đưa ra được lời khuyên tổng thể thì là thách thức bởi để người mua mua được giá tốt nhất thì cần phải có sự hợp tác đồng lòng trên cả thị trường, một vài người mua đơn lẻ thì không thể nào xoay đổi được.
Tuy nhiên, một vài kinh nghiệm tôi cũng muốn chia sẻ với người mua trong đó tìm hiểu kỹ thông tin về dự án, số căn hộ còn trống là yếu tố quan trọng tránh được việc mua phải những căn hộ đã bị làm giá. Đồng thời, người mua cần cố gắng tiếp cận trực tiếp với các chủ đầu tư, các sàn giao dịch hoặc qua các công ty môi giới có uy tín, có trách nhiệm. Đây là những kênh thông tin mang tính trung thực để người mua tránh mua qua những cá nhân đầu cơ thổi giá trong khi giá các dự án này giá không thực sự cao như thế, không thực sự khan hàng đến mức đó.
Bên cạnh đó, nhiều dự án trong quý 2 vừa qua có thanh khoản tốt đều có hiện tượng mua đi bán lại, thông thường thông qua nhóm đầu cơ, môi giới. Trên thị trường thứ cấp, cách nhà đầu cơ kiếm tiền là họ tìm được khe hở giữa người mua thật và người bán thật để ăn chênh. Vì vậy, người mua cần tìm hiểu thông tin kỹ để gặp được người bán thật.
Cuối quý 2, giao dịch BĐS đang chững lại và đi xuống, nguyên nhân tại sao thị trường lại đảo chiều như vậy?
Có nhiều nguyên nhân trong đó tình hình căng thẳng trên Biển Đông ảnh hưởng đến tâm lý của người mua. Vấn đề Biển Đông không liên quan trực tiếp đến Bất động sản nhưng nếu không có vấn đề này thì có lẽ thị trường đã đi lên.
Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề về ngắn hạn thôi còn về dài hạn tôi cho rằng thị trường BĐS cũng sẽ không bị ảnh hưởng bởi nhà đầu tư Trung Quốc cũng không đầu tư BĐS nhiều tại Việt Nam, họ không phải là chủ đầu tư và cũng không phải là người mua nhiều trên thị trường.
Theo ông, thị trường BĐS trong quý 3 sẽ diến biến như thế nào?
Quý 3 hàng năm trùng với thời điểm tháng 7 âm lịch - tháng "cô hồn". Do tâm lý người Việt tránh mua những mặt hàng có giá trị cao trong tháng "cô hồn" đặc biệt là nhà cửa, nên trong tháng này, đương nhiên giao dịch mua bán sẽ dừng lại và lượng giao dịch toàn thị trường sẽ giảm.
Thanh Ngà
Theo Trí Thức Trẻ