Thực hiện yêu cầu của Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương về việc “Lựa chọn đề tài bài viết nghiên cứu trên Tạp chí điện tử Đảng ủy Khối” và chỉ đạo của Thường trực Đảng ủy Tổng công ty, Ban Tuyên giáo Đảng ủy Tổng công ty đã thực hiện bài viết với tiêu đề "Phát triển nhà ở xã hội - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn triển khai các dự án tại Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị” đăng trên chuyên mục “Nghiên cứu - Trao đổi” của Tạp chí điện tử Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương. Ban Biên tập Website news.hud.vn trân trọng đăng lại toàn văn nội dung bài viết:
I. Vài nét khái quát về tình hình phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Trong thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đang được Đảng và nhà nước tiếp tục hoàn thiện, nhà ở là một hàng hóa đặc biệt, đáp ứng một trong những nhu cầu quan trọng nhất của con người là nhu cầu ở nên việc quản lý thị trường này với giá cả ổn định để nâng cao chất lượng sống của người dân, đảm bảo an sinh xã hội là vấn đề rất quan trọng. Nhà ở là sản phẩm chủ yếu của thị trường bất động sản, một thị trường đặc biệt, có vị trí và vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân, có quan hệ trực tiếp, liên thông với thị trường tài chính. Hơn nữa, nhà ở gắn với đất đai là một nguồn lực hữu hạn cần khai thác có hiệu quả, là một tư liệu sản xuất đặc biệt, đã được các văn kiện của Đảng và được thể chế hóa qua Hiến pháp khẳng định: đất đai thuộc sở hữu toàn dân mà đại diện là Nhà nước.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng của nhà ở trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011 phê duyệt Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược đã đề ra mục tiêu phát triển nhà ở đáp ứng nhu cầu của nhân dân đồng thời đưa ra các cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ phát triển nhà ở cho 08 nhóm đối tượng cần được hưởng các chính sách nhà nước cần hỗ trợ về nhà ở. Điều này cũng thể hiện yếu tố thị trường nhưng mang định hướng xã hội chủ nghĩa trong Chiến lược phát triển nhà ở của nước ta.
Cho tới thời điểm hiện nay, các cơ chế chính sách về phát triển nhà ở nói chung, nhà ở xã hội nói riêng đã được ban hành tương đối đồng bộ, từ Luật Nhà ở số 56/2005/QH11 do Quốc hội Khóa XI ban hành năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành cho đến những sửa đổi, bổ sung mới nhất tại Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 do Quốc hội khóa XIII ban hành, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội cùng các Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng và các Bộ ngành có liên quan. Cùng với đó, những gói ưu đãi về chính sách tài chính tiền tệ mà điển hình là gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ của Chính phủ, kéo dài trong 03 năm, bắt đầu triển khai từ năm 2013.
Với hành lang pháp lý đầy đủ, các chính sách ưu đãi và hỗ trợ của nhà nước, trong những năm qua, nhiều dự án nhà ở xã hội đã được triển khai thực hiện, tạo điều kiện giải quyết chỗ ở cho các nhóm đối tượng chính sách xã hội có khó khăn về nhà ở như người thu nhập thấp tại đô thị, cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách, cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang,… đồng thời qua đó cũng góp phần hỗ trợ thị trường, tạo công ăn việc làm trong ngành xây dựng.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, cho đến hết năm 2015, cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 135 dự án NƠXH, trong đó có 51 dự án cho người TNT (quy mô khoảng 25.850 căn hộ), khoảng 84 dự án cho công nhân với 28.550 căn hộ; đang tiếp tục triển khai 171 dự án NƠXH, trong đó có 108 dự án cho người TNT với khoảng 61.290 căn hộ; 63 dự án cho công nhân với quy mô xây dựng khoảng 69.300 căn hộ.
Những kết quả này thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước trong việc khuyến khích, hỗ trợ phát triển nhà ở cho các nhóm đối tượng cần sự hỗ trợ của nhà nước về nhà ở.
II. Một số kết quả thực hiện các dự án phát triển nhà ở xã hội của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) trong thời gian qua.
Một trong những vai trò quan trọng của doanh nghiệp nhà nước nói chung được xác định là lực lượng quan trọng trong thực hiện các chính sách xã hội, đảm bảo các sản phẩm, dịch vụ công ích chủ yếu, đi đầu thực hiện an sinh xã hội,… trong đó có vấn đề giải quyết nhu cầu về nhà ở, thực hiện chính sách xã hội về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội.
Nhận thức được vai trò của doanh nghiệp nhà nước được xác định là lực lượng quan trọng trong thực hiện các chính sách xã hội, đi đầu thực hiện an sinh xã hội, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị xác định phát triển nhà ở xã hội là một nhiệm vụ quan trọng của Tổng công ty trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi sự chỉ đạo tập trung, triển khai quyết liệt của cả Tổng công ty từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng đến hệ thống quản trị, điều hành, các Ban chức năng, các Ban quản lý dự án và các công ty thành viên.
Để đẩy mạnh việc triển khai các dự án nhà ở xã hội theo kế hoạch, Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty ban hành Nghị quyết chuyên đề số 124-NQ/ĐU ngày 07/3/2014 lãnh đạo Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc Tổng công ty tập trung chỉ đạo, đôn đốc các Ban quản lý dự án, các Công ty thành viên tiến hành nghiên cứu, triển khai, thực hiện các dự án nhà ở xã hội đã được giao theo lộ trình chi tiết của từng dự án; theo đó, 12 dự án nhà ở xã hội, tập trung chủ yếu tại Hà Nội, TPHCM và một số đô thị có nhu cầu cao về nhà ở xã hội đã được nghiên cứu, triển khai trong thời gian qua.
Thực hiện Nghị quyết chuyên đề về phát triển nhà ở xã hội, cho đến nay, Tổng công ty đã triển khai và hoàn thành nhiều dự án nhà ở xã hội với một số dự án tiêu biểu sau:
1.Dự án Nhà ở xã hội-Khu ĐTM Tây Nam Linh Đàm-Hoàng Mai, Hà Nội:
Dự án được bố trí tại các ô CT1-A1&A2, CT2-TP và CT4-A1 thuộc quỹ đất 20% của dự án Khu đô thị mới Tây Nam hồ Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội.
Với tổng diện tích sàn 32.000m2, dự án Nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp do Công ty CP Phát triển nhà xã hội - HUD.VN (đơn vị thành viên của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - HUD) làm chủ đầu tư là bước triển khai nhằm hiện thực hóa quan trọng chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Chính phủ về công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo chỗ ở cho mọi tầng lớp nhân dân mà trước mắt là tập trung giải quyết chỗ ở cho các nhóm đối tượng chính sách xã hội được mua nhà ở xã hội theo Quy định tại Nghị định 34/2013/NĐ-CP ngày 22/04/2013 của Chính phủ.
Nhà CT2-TP, một trong 4 khối nhà chung cư cao tầng thuộc dự án Nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Tây Nam Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội.
Được khởi công vào năm 2014 và hoàn thành vào cuối năm 2015, đầu năm 2016, dự án Nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại Khu đô thị mới Tây Nam Linh Đàm đã tạo cơ hội cho gần 500 gia đình thuộc nhóm đối tượng chính sách, những người dân, các cán bộ, viên chức nhà nước Thủ đô có thu nhập thấp được tiếp cận nơi ở với điều kiện sống tốt tại Hà Nội. Nằm trong tổng thể khu đô thị mới Tây Nam Linh Đàm, dự án nhà ở cho người thu nhập thấp nằm ở vị trí thuận lợi được kết nối với khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm với cơ sở hạ tầng đầy đủ, hoàn chỉnh, đồng bộ, xung quanh đã có dân cư sinh sống ổn định sẽ tạo nên một khu đô thị văn minh, hiện đại trong tổng thể chung của cả khu đô thị mới Linh Đàm. Các khối nhà ở xã hội được bố trí đan xen liền kề với các khu biệt thự thấp tầng và các khối chung cư thương mại có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hoàn chỉnh, các công trình công cộng như: trường học, nhà trẻ mẫu giáo, trạm y tế, trung tâm văn hóa, câu lạc bộ thể thao, bãi đỗ xe, vườn hoa, cây xanh…tạo nên một không gian sống đẹp với nhiều tiện ích. Hơn nữa, với những công nghệ xây dựng tiên tiến được áp dụng, khách hàng mua nhà tại dự án này nhận được nhiều lợi ích về giá bán, về chất lượng của dự án.
Tổng thể dự án Nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Tây Nam Linh Đàm,
Công trình đã được Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương công nhận và vinh danh
“Công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ Khối DNTW lần thứ II, nhiệm kỳ 2015 - 2020”.
2. Dự án Chung cư An Bình - Nha Trang, Khánh Hòa:
Chung cư An Bình là Chung cư cho người thu nhập thấp, được xây dựng tại Số 03 đường Trường Sơn, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Công trình được khởi công vào tháng 9/2011 và bàn giao, đưa vào sử dụng vào tháng 06/2013, với tổng mức đầu tư hơn 62 tỷ đồng.
Công trình có diện tích xây dựng là 1.825 m2, được thiết kế xây dựng 6 tầng, với 9.125 m2 sàn và 136 căn hộ, cùng các công trình phục vụ công tác quản lý vận hành, sinh hoạt chung như: nhà bảo vệ, nhà để xe, phòng sinh hoạt cộng đồng và khu dịch vụ công cộng, khu vệ sinh.
Nhà chung cư An Bình - Công trình cho người thu nhập thấp,
tại phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
3. Dự án Nhà ở xã hội - Khu ĐTM Trần Hưng Đạo, Thành phố Thái Bình:
Dự án do HUD2 làm chủ đầu tư được quy hoạch, thiết kế nằm trong Khu đô thị mới Trần Hưng Đạo, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình và được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh, kết nối giao thông tới các khu vực khác trong thành phố thuận tiện. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, thông tin liên lạc... được đầu tư đồng bộ và hoàn chỉnh theo mạng lưới của thành phố.
Dự án Nhà ở xã hội Thái Bình - Khu đô thị mới Trần Hưng Đạo, Thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình.
Dự án có tổng diện tích lô đất xây dựng là 4.462,6m2, với 02 khối nhà chung cư cao 05 tầng, có thang máy và được thiết kế xây dựng 127 căn hộ, có diện tích từ 41 - 63m2; Các căn hộ được thiết kế với diện tích sàn từ 40-63 m2, với 2-3 phòng ngủ, phòng khách, bếp và WC riêng với không gian sử dụng hợp lý tiện dụng.
Trong khuôn viên khu nhà ở chung cư xã hội còn được bố trí diện tích sân chơi kết hợp cây xanh rộng rãi; một bãi để xe có mái che đáp ứng nhu cầu để xe đạp, xe máy của các cư dân sống tại chung cư.
Công trình được khởi công vào tháng 9/2014 và bàn giao, đưa vào sử dụng vào tháng 11/2015, với tổng mức đầu tư gần 65 tỷ đồng.
Công trình đã được Công ty HUD2 đăng ký là Công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ Tổng công ty lần thứ IV, nhiệm kỳ 2015-2020.
4. Dự án Khu Chung cư thu nhập thấp phường Phú Sơn, TP Thanh Hoá:
Dự án do HUD4 làm chủ đầu tư tọa lạc tại phường Phú Sơn, Thành phố Thanh Hoá. Công trình có diện tích xây dựng là 4.072 m2, được thiết kế xây dựng gồm 04 khối nhà chung cư cao 11 tầng, với 45.392 m2 sàn và 600 căn hộ, cùng các công trình phục vụ công tác quản lý vận hành, sinh hoạt chung như: nhà bảo vệ, nhà để xe, phòng sinh hoạt cộng đồng và khu dịch vụ công cộng, khu vệ sinh….. Các căn hộ được thiết kế với diện tích sàn từ 53 m2 đến 63 m2, có từ 1 đến 2 phòng ngủ, 01 đến 02 khu vệ sinh, phòng khách, bếp ăn.
Dự án là khu dân cư xây mới hoàn toàn, nên được quy hoạch và xây dựng thống nhất theo thiết kế kiến trúc đồng bộ và hoàn chỉnh, giao thông thuận tiện, có bố trí diện tích sân chơi kết hợp cây xanh rộng rãi và có bãi để xe.
Dự án Nhà ở thu nhập thấp - P.Phú Sơn, TP Thanh Hóa.
Công trình được khởi công năm 2009 và bàn giao, đưa vào sử dụng năm 2011, với tổng mức đầu tư là: 215 tỷ đồng.
5. Dự án Khu Chung cư thu nhập thấp tại Lô C5, thuộc Khu đô thị Nam thành phố Thanh Hoá:
Dự án do HUD4 làm chủ đầu tư xây dựng tại Lô C5, thuộc Khu đô thị Nam thành phố Thanh Hoá.
Công trình có diện tích xây dựng là 2.885 m2, được thiết kế xây dựng gồm 03 khối nhà chung cư cao 11 tầng, với 30.285 m2 sàn và 410 căn hộ, cùng các công trình phục vụ công tác quản lý vận hành, sinh hoạt chung như: nhà bảo vệ, nhà để xe, phòng sinh hoạt cộng đồng và khu dịch vụ công cộng, khu vệ sinh….. Các căn hộ được thiết kế với diện tích sàn từ 44 m2 đến 56 m2, có từ 1 đến 2 phòng ngủ, 01 đến 02 khu vệ sinh, phòng khách, bếp ăn.
Dự án được quy hoạch, thiết kế nằm trong Khu đô thị mới Nam thành phố Thanh Hoá, được đầu tư đồng bộ và hoàn chỉnh, giao thông tới các khu vực khác trong thành phố thuận tiện. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, thông tin liên lạc... được đầu tư đồng bộ và hoàn chỉnh theo mạng lưới của thành phố.
Dự án Khu chung cư thu nhập thấp tại Lô C5, thuộc Khu đô thị Nam thành phố Thanh Hoá.
Công trình được khởi công năm 2015 và dự kiến bàn giao, đưa vào sử dụng từ năm 2017, với tổng mức đầu tư là: gần 200 tỷ đồng.
III. Một số vấn đề đặt ra từ thực tiễn triển khai các dự án phát triển nhà ở xã hội tại Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị
Chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nhà ở xã hội qua một thời gian đã được khẳng định là một chủ trương đúng đắn, giúp nhiều đối tượng chính sách xã hội tạo lập được chỗ ở, "an cư, lạc nghiệp", góp phần giải quyết nhiều vấn đề an sinh xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Hệ thống pháp lý, các chính sách ưu đãi và hỗ trợ của nhà nước liên quan đến phát triển nhà ở xã hội đã được ban hành tương đối đầy đủ.
Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai các dự án nhà ở xã hội trong thời gian qua, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị nhận thấy còn một số vấn đề còn bất cập cần giải quyết, tháo gỡ để các dự án nhà ở xã hội được triển khai thuận lợi, hiệu quả, đóng góp tích cực vào các mục tiêu Chiến lược Phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra, cụ thể như sau:
1. Về việc quy hoạch và bố trí quỹ đất triển khai các DA nhà ở xã hội:
Theo quy định hiện hành, các dự án phát triển đô thị phải dành 20% tổng diện tích đất ở để bố trí nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đối với các dự án đã triển khai trước đây thì không bố trí quỹ đất hoặc quỹ đất 20% đã được địa phương đầu tư xây dựng cho các mục đích khác; các dự án phát triển mới phải mất thời gian rất dài mới có được quỹ đất sạch để triển khai. Chính vì vậy, tại thời điểm hiện nay, quỹ đất phát triển nhà ở xã hội rất hạn hẹp, nhất là tại các địa phương có nhu cầu cao về nhà ở xã hội (như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh).
Mặt khác, trong quá trình lập quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết đô thị, nhiều địa phương có quan điểm bố trí tập trung các dự án nhà ở xã hội vào một khu vực để các cư dân tương đồng về điều kiện sống, dễ quản lý và bố trí các dịch vụ phục vụ cũng như tránh sự thương tổn tâm lý do khoảng cách thu nhập, sự cách biệt lối sống giữa nhà ở cao cấp và nhà ở xã hội; nhiều địa phương khác muốn bố trí xen kẽ nhà ở xã hội với các loại hình nhà ở khác, trong khi hiện nay, ở nước ta chưa có một điều tra xã hội học đô thị chính thức được tổ chức để đánh giá những tác động xã hội của các dự án nhà ở xã hội với sự phát triển đô thị, làm cơ sở khoa học để bố trí quỹ đất xây dựng các dự án nhà ở xã hội trong quá trình lập và thực hiện quy hoạch xây dựng.
2. Về cơ chế hỗ trợ tài chính cho phát triển nhà ở xã hội:
Năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP với nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường, trong đó có gói tín dụng hỗ trợ nhà ở hơn 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho các dự án nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp. Gói tín dụng này do ngân hàng nhà nước tái cấp vốn thông qua một số ngân hàng thương mại để thực hiện. Gói tín dụng này được triển khai tạo điều kiện rất thuận lợi cho các chủ đầu tư và người mua nhà những hỗ trợ về tài chính khi mua nhà ở xã hội và nhà thương mại giá thấp. Tuy nhiên gói hỗ trợ 30.000 tỷ chỉ có giá trị đến 30/6/2016 (các đối tượng khách hàng cá nhân được gia hạn đến 31/12/2016) và theo Luật nhà ở 2015, các dự án nhà ở xã hội sẽ được vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội trong khi các hướng dẫn về vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội đối với các Chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội hiện vẫn chưa được ban hành. Cần só sự chuyển tiếp giữa các dự án vay gói 30.000 tỷ sang việc vay Ngân hàng chính sách xã hội để tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư và khách hàng.
3. Về lợi nhuận định mức quy định đối với dự án nhà ở xã hội:
Quy định giá bán nhà ở xã hội do chủ đầu tư xác định trên cơ sở tính đủ các chi phí để thu hồi vốn đầu tư (kể cả lãi vay) với lợi nhuận định mức các dự án nhà ở xã hội không vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư dự án, nhằm khống chế các chủ đầu tư không được xác định giá bán với lợi nhuận quá cao, ảnh hưởng đến khả năng chi trả của người mua là nhóm đối tượng chính sách xã hội. Tuy nhiên, việc quy định "cứng" tỷ lệ lợi nhuận định mức vô hình trung đã không khuyến khích, không tạo động lực để các chủ đầu tư áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ và các giải pháp tiết kiệm trong xây dựng để giảm giá thành sản phẩm.
4. Về quy định dành 20% diện tích nhà ở xã hội để cho thuê:
Theo quy định hiện hành, các dự án nhà ở xã hội phải dành 20% diện tích để cho thuê, không phân biệt địa bàn, khu vực dự án. Trên thực tế, tại các đô thị lớn, nhu cầu thuê nhà ở xã hội lớn và quỹ nhà cho thuê là cần thiết, dễ dàng lấp đầy. Nhưng tại các khu vực đô thị của nhiều địa phương xa, do tập quán sống và quan niệm về sở hữu, quỹ nhà cho thuê rất khó được lấp đầy. Chính vì vậy, không nên quy định "cứng" tỷ lệ cho thuê đối với các dự án nhà ở xã hội mà nên giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ đặc thù địa phương mình mà quy định tỷ lệ diện tích nhà ở xã hội cho thuê này.
5. Về việc phân bổ chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các dự án nhà ở xã hội trong giá bán:
Theo quy định hiện hành, dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhưng đối với chi phí đền bù giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thì không có quy định cụ thể. Các chi phí này có thể được nhà nước hỗ trợ/ hỗ trợ một phần hoặc không hỗ trợ tùy theo từng dự án, từng địa phương dẫn đến giá bán nhà ở xã hội có dự án phân bổ thêm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật, có dự án thì không phân bổ hoặc chỉ phân bổ một phần chi phí này. Cần có sự thống nhất trong các tiêu chí và cách thức phân bổ các chi phí này để đảm bảo sự minh bạch và công bằng đối với các chủ đầu tư cũng như người mua các dự án nhà ở xã hội.
Có thể khẳng định, phát triển nhà ở xã hội là một chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước, tạo cơ hội cho hàng triệu người thuộc nhóm đối tượng chính sách xã hội có cơ hội có một mái nhà đầm ấm, an cư lạc nghiệp, góp phần vào các chính sách an sinh xã hội trong quá trình xây dựng đất nước, hướng tới các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Đảng đã đề ra. Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị mong muốn, những vấn đề đặt ra từ thực tiễn triển khai các dự án phát triển nhà ở xã hội của Tổng công ty sẽ được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, giải quyết để các chính sách phát triển nhà ở xã hội ngày một hoàn thiện, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư cũng như người mua nhà, đóng góp tích cực vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu Chiến lược Phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra.