“Bất động sản rơi vào tình trạng chết lâm sàng như bây giờ phần lớn là do các doanh nghiệp thiếu chuyên nghiệp, ăn xổi ở thì”.
Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã nói như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị những ngày đầu năm 2013.
Nhưng, ông Châu cũng cho rằng, thủ phạm tiếp sức góp phần làm cho bất động sản chết nhanh hơn chính là do những chính sách bất cập của Nhà nước. “Giông bão của bất động sản sẽ còn kéo dài, đừng hy vọng vào cây đũa thần để giải cứu”, ông Châu nhấn mạnh.
Phải trả giá
Thưa ông, là người đứng đầu hiệp hội Bất động sản TP.HCM, ông đánh giá thế nào về thực trạng và bản chất của thị trường bất động sản hiện nay?
Từ năm 2008 đến nay (ngoại trừ năm 2010), thị trường bất động sản Việt Nam rơi vào suy thoái trầm trọng. Thị trường này bị đình trệ trên tất cả các phân khúc và gây hậu quả nặng nề đối với cả doanh nghiệp phát triển bất động sản, nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, người tiêu dùng và toàn xã hội, góp phần làm thất thu ngân sách.
Riêng năm 2012 là năm khó khăn nhất của thị trường bất động sản với hai vấn nạn bao trùm, đó là hàng tồn kho và nợ xấu rất lớn. Đi đôi với nó là hiện tượng người tiêu dùng mất niềm tin vào thị trường. Kỳ vọng của đông đảo người thu nhập thấp đô thị có được căn nhà mơ ước ngày càng xa vời.
Thời điểm bất động sản “làm một, ăn mười”, có khi ăn một trăm thì khi ấy sao không thấy doanh nghiệp nào kêu ca, thưa ông?
Không thể phủ nhận có một thời bất động sản đã mang lại lợi nhuận ghê gớm cho doanh nghiệp. Bởi vậy, người người làm bất động sản, nhà nhà làm bất động sản. Tuy nhiên, việc đầu tư lại thiếu chuyên nghiệp, thiếu tầm nhìn, thiếu nghiên cứu thị trường, thiếu năng lực và kỹ năng quản trị và bây giờ đang phải trả giá.
Tuy nhiên, công bằng mà nhìn nhận thì có kết cục như ngày hôm nay một phần cũng bắt nguồn chính từ sự yếu kém của công tác quản lý nhà nước. Đã có gần 50.000 doanh nghiệp bị phá sản hoặc dừng hoạt động trong năm 2012 và có nhiều doanh nhân bị trắng tay dù xuất phát từ nguyên nhân gì cũng là một tổn thất rất lớn cho nền kinh tế.
Thật là bất công khi có những doanh nghiệp làm ra nhiều sản phẩm, tạo được nhiều việc làm cho người lao động nhưng lại phải è lưng trả lãi vay quá cao làm teo tóp lợi nhuận hoặc thậm chí bị lỗ, rơi vào gánh nặng nợ nần. Môi trường kinh doanh cũng chưa tốt nên chưa tạo ra cơ hội công bằng, bình đẳng và cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Hướng đến nhu cầu thật
Xét trên nhiều khía cạnh cho thấy, thị trường bất động sản còn rất mù mịt, vậy giải pháp để doanh nghiệp tự cứu mình là gì?
Các doanh nghiệp phải rà soát, tái cấu trúc bộ máy, cơ cấu lại đầu tư, kiên quyết đình hoãn hoặc giãn tiến độ thực hiện các dự án; cơ cấu lại sản phẩm, xin phép điều chỉnh công năng dự án, quy mô căn hộ phù hợp với nhu cầu của thị trường và khả năng tài chính của khách hàng. Mặt khác, trong thời điểm khó khăn này, doanh nghiệp phải chấp nhận giảm giá bán, thậm chí “bán lỗ để cắt lỗ” nhằm giải quyết bài toán hàng tồn kho và nợ xấu, bảo đảm uy tín thương hiệu nhằm tăng cường khả năng tồn tại.
Đây cũng là lúc doanh nghiệp định hình lại các dòng sản phẩm hướng đến nhu cầu thật của đông đảo người tiêu dùng và nhà đầu tư.
Còn về phía Nhà nước thì sao, liệu Nhà nước có “thuốc thần” để giải cứu thị trường này?
Nhà nước là nhân tố quyết định nhất giải quyết các khó khăn của nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản. Trước hết là sửa đổi ngay chính sách lãi suất cho vay quá cao đang bóp chết doanh nghiệp và làm thất thu ngân sách; chính sách tín dụng cần hỗ trợ lãi suất ưu đãi dài hạn cho người mua căn hộ đầu tiên hoặc đang ở chật hẹp (bình quân dưới 8m2/người); cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp để hoàn thiện công trình có khả năng tiêu thụ sản phẩm, cơ cấu lại nợ vay cũ và cho vay tiếp đối với các doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh khả thi.
Đồng thời, Nhà nước cần sửa đổi ngay phương thức thu tiền sử dụng đất đang là một gánh nặng cho doanh nghiệp và là một nhân tố đẩy giá bất động sản lên cao bất hợp lý; cho phép chuyển nhượng dự án tự do theo cơ chế thị trường; cho phép điều chỉnh công năng dự án và cơ cấu căn hộ phù hợp với nhu cầu thị trường. Một giải pháp cần thiết nữa là Nhà nước cần xem xét mua lại dự án căn hộ phù hợp để làm nhà tái định cư hoặc nhà ở xã hội; mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua căn hộ tại Việt Nam.
Tuy vậy, tôi dự báo, năm 2013 tiếp tục là một năm đầy khó khăn với thị trường bất động sản.
Theo SGTT