Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 9 - phiên họp diễn ra trong hai ngày 25 và 26/9 với nhiều nội dung quan trọng.
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9 - Ảnh Chinhphu.vn
Để bảo đảm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội chủ yếu của năm 2011, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, nhất quán các mục tiêu, giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ và Nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ từ đầu năm đến nay; phối hợp chặt chẽ chính sách kinh tế vĩ mô, trước hết là chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, tín dụng, xuất nhập khẩu... để tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và giữ mức tăng trưởng hợp lý.
Áp dụng cả những giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm kiềm chế lạm phát
Chính phủ nhận định trong nhiều năm qua, lạm phát ở nước ta tăng cao và kéo dài do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do bị tác động của kinh tế thế giới khi độ mở của nền kinh tế Việt Nam cao hơn nhiều nước nhưng nguyên nhân nội tại của nền kinh tế là chủ yếu, như: chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa nới lỏng kéo dài, tăng dư nợ tín dụng, thâm hụt ngân sách liên tục ở mức cao; cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư chưa hợp lý, năng suất lao động và hiệu quả đầu tư thấp...
Chính phủ thống nhất để xử lý căn bản tình trạng trên đây cần áp dụng cả những giải pháp trước mắt và lâu dài. Trước hết là tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ - tài khóa chặt chẽ; nâng cao hiệu quả đầu tư; đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt nhập khẩu để giảm nhập siêu; nâng cao hiệu quả sản xuất, nhất là nông nghiệp; ổn định tâm lý và cải thiện niềm tin của người dân đối với chính sách kinh tế vĩ mô.
Về lâu dài, cần tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, nâng cao năng suất lao động xã hội, tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế; tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó tập trung tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và hệ thống tài chính - ngân hàng; tập trung nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh; phát triển đồng bộ, nâmg cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các thị trường; đồng thời kiểm soát lạm phát có mục tiêu và làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền.
Từng bước giảm dần lãi suất
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, hiệu quả, phù hợp theo tín hiệu thị trường; trên cơ sở kết quả kiềm chế lạm phát, từng bước giảm dần lãi suất tín dụng, bảo đảm hỗ trợ dòng vốn tín dụng cho các nhu cầu thiết yếu trong sản xuất, kinh doanh, trước hết là nông nghiệp, nông thôn, ngành điện, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tín dụng xuất khẩu; điều hành tăng trưởng tín dụng khoảng 15-17%, tổng phương tiện thanh toán khoảng 12%.
Bên cạnh đó, xây dựng phương án cân đối ngoại tệ và điều hành tỷ giá trong quý IV năm 2011 và quý I năm 2012. Tiếp tục duy trì và phát huy kết quả đạt được trong quản lý ngoại tệ và vàng trong thời gian qua; sớm nghiên cứu ban hành chính sách để huy động ngoại tệ và vàng đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Không để thiếu hàng, đẩy giá thực phẩm lên cao
Nghị quyết nêu rõ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ phát triển nhanh đàn gia súc, gia cầm đáp ứng nhu cầu thị trường, không để thiếu hàng, đẩy giá thực phẩm lên cao, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương có biện pháp mạnh để khắc phục hiện tượng đầu cơ găm hàng, thao túng giá, đẩy giá lên cao. Kiên quyết xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, trốn thuế.
Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất biện pháp hỗ trợ các địa phương phòng chống, khắc phục thiệt hại do thiên tai, bão lụt, dịch bệnh gây ra.
Yêu cầu các tập đoàn, TCty Nhà nước không đầu tư ngoài ngành
Chính phủ yêu cầu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tập trung vốn đầu tư vào các ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính, không để đầu tư ngoài ngành, nhất là các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, bất động sản, chứng khoán. Đối với các tập đoàn, tổng công ty trước đây đã đầu tư vào các lĩnh vực này phải sớm có kế hoạch thoái vốn, tiến tới chấm dứt kinh doanh.
Các bộ quản lý ngành có phương án xử lý kiên quyết, dứt điểm đối với các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài; đề xuất mô hình quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phù hợp theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Kiên quyết xử lý các trường hợp sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông
Về giao thông, Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an phối hợp với các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm kiềm chế, giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; kiên quyết xử lý các trường hợp đua xe, sử dụng rượu, bia, chất có cồn khi tham gia giao thông; tổ chức giao thông hợp lý trên địa bàn thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; không sử dụng lòng đường, vỉa hè làm điểm đỗ hoặc kinh doanh điểm đỗ xe ô tô, xe gắn máy.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là trên địa bàn 5 thành phố trực thuộc Trung ương để tạo môi trường thu hút vốn đầu tư; đẩy nhanh tiến độ thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường công tác kiểm tra việc kiểm soát thủ tục hành chính ở các cấp, các ngành.