(Xây dựng) - Nhằm tạo một diễn đàn để cùng phân tích, thảo luận và tháo gỡ các vấn đề còn vương mắc, Bộ Xây dựng phối hợp với Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức Tọa đàm “Hiện thực hóa đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội” ngày 19/10/2023 tại Hà Nội.
Đây là lần thứ 2 sự kiện được tổ chức với kỳ vọng tiếp tục đưa ra những giải pháp, đề xuất các chính sách sát với thực tế nhằm tạo động lực: Bố trí quỹ đất, tạo cơ chế thu hút đầu tư, đồng hành và cam kết nhằm hiện thực hóa ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động.
Tọa đàm có sự tham dự của: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ; Lãnh đạo Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC; cùng đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Lãnh đạo một số tỉnh, thành, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bình Dương Bắc Giang... Lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp và các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản.
Tọa đàm với 2 phiên thảo luận chính sẽ tập trung vào các nội dung về: Một triệu căn nhà ở xã hội - Kỳ vọng và thực tế; Cơ chế khơi thông, tăng tốc làm nhà ở xã hội với những hiến kế sát sườn, mang tính đột phá trong phát triển nhà ở xã hội nhằm đạt được mục tiêu một triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030 của Bộ Xây dựng, cũng như mục tiêu của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Tọa đàm “Hiện thực hóa đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội” do Bộ Xây dựng phối hợp với Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC tổ chức có ý nghĩa rất thiết thực, đặt trong bối cảnh Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 đã đi vào triển khai thực hiện được hơn nửa năm qua, nhằm đánh giá một cách khách quan, toàn diện về quá trình thực hiện vừa qua để có giải pháp, điều chỉnh phù hợp nhằm thúc đẩy triển khai Đề án.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, nhà ở là một nhu cầu thiết yếu của con người và là một trong những quyền cơ bản được Hiến định. Trong những năm qua, cùng với quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến lĩnh vực phát triển nhà ở, đã ban hành nhiều chính sách để lĩnh vực nhà ở ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp người dân, đặc biệt là các đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế trong xã hội, trong đó có số lượng lớn người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân các khu công nghiệp.
Đến thời điểm hiện tại, cùng với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, các văn bản hướng dẫn dưới luật, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và các chương trình hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo nhà ở cho các đối tượng chính sách theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, có thể khẳng định, các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động tại các khu công nghiệp hiện nay đã tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Trong đó, đã quy định về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị, khu công nghiệp; Quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; Quy định cụ thể các cơ chế ưu đãi cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; Quy định về trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương liên quan đến phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Nhờ các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, phát triển nhà ở xã hội, đến nay, cả nước đã hoàn thành 312 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 158.000 căn, với tổng diện tích hơn 8 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai 418 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn với tổng diện tích khoảng 22.565.000m2. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu như Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2010-2020 đã xác định.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, bước vào nhiệm kỳ 2021-2025, vấn đề phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và nhà ở cho công nhân khu công nghiệp tiếp tục là mối quan tâm thường trực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp. Tình từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 03 Nghị định, 03 Nghị quyết liên quan đến chính sách nhà ở cho công nhân, 03 Chỉ thị giao các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai, thực hiện chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và đã tổ chức 02 Hội nghị toàn quốc liên quan đến chủ đề này.
Riêng trong năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, trong đó đã giao các nhiệm vụ rất cụ thể cho các Bộ, ngành và địa phương để thực hiện.
Về kết quả phát triển nhà ở xã hội, trong giai đoạn 2021-2025 tính đến thời điểm 30/6/2023, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 46 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng 20.210 căn. Đã cấp phép và đang triển khai xây dựng 110 dự án với quy mô 100.213 căn, ngoài ra đã được chấp thuận chủ trương đầu tư 309 dự án với quy mô 292.422 căn. Tổng số căn hộ đã hoàn thành và đã cấp phép xây dựng hoặc đã có chủ trương đầu tư xây dựng là khoảng 413.000 căn.
Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã được khởi công là 09 dự án với tổng số khoảng 18.768 căn, trong đó, nhà ở xã hội 06 dự án; nhà ở công nhân 03 dự án.
Theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội”, phấn đấu đến năm 2030 tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn. Như vậy, nếu các dự án đã được cấp phép và chấp thuận chủ trương đầu tư hoàn thành đúng thời hạn thì chúng ta sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu đến năm 2025.
Đối với nguồn vốn ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội, hiện nay đang được triển khai theo hai nguồn vốn ưu đãi quy định tại: Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình và Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ đã đề xuất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi. Nguồn vốn để thực hiện Chương trình từ nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng thương mại.
Theo báo cáo, các địa phương đang tập trung triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, hiện nay đã có đã có 20 tỉnh công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn là 25.884 tỷ đồng. Trong đó, có 49 dự án nhà ở xã hội với nhu cầu vay khoảng 24.655 tỷ đồng và 03 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với nhu cầu vay khoảng 1.230 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 83/1.095 tỷ đồng đã ký hợp đồng vay vốn.
Với những kết quả bước đầu triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, Bộ Xây dựng nhận thức rằng việc triển khai Đề án sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức trong giai đoạn sắp tới, cần sự chung tay, vào cuộc một cách đồng bộ của các cấp chính quyền, các hiệp hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp.
Do vậy, tại Tọa đàm này, Bộ Xây dựng rất mong nhận được các ý kiến đánh giá khách quan, thẳng thắn và trách nhiệm của đại diện các cơ quan Trung ương và địa phương, các chuyên gia, các tổ chức, doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp về thực trạng triển khai Đề án, làm cơ sở để Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục thực hiện một các hiệu quả các nhiệm vụ của mình, đồng thời kịp thời đề xuất với Chính phủ các điều chỉnh cần thiết và khả thi trong thời gian tới.
Phát biểu tại Tọa đàm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ cho biết:
Năm 2023 dù chịu tác động lớn khi thị trường Bất động sản bị đóng băng, tiến độ của nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân phải chậm lại, song vượt qua những khó khăn trở ngại, đến thời điểm này, rất nhiều hoạt động trong các lĩnh vực của ngành Xây dựng đã cơ bản được khôi phục, phát triển phù hợp. Minh chứng rõ ràng nhất đó là, đến nay, cả nước đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, với quy mô gần 20 nghìn căn và đang tiếp tục triển khai 294 dự án với quy mô gần 290 nghìn căn.
Con số ấn tượng này là động lực to lớn để hôm nay chúng ta cùng nhau phối hợp tổ chức Tọa đàm này để từ đó nhìn nhận rõ hơn những giá trị tích cực của một chính sách hết sức nhân văn đang được triển khai hiệu quả giúp cho hàng vạn người nghèo, hàng vạn công nhân thuê hoặc mua nhà với giá rẻ có chỗ ở ổn định, an tâm làm việc và công tác.
Tuy nhiên, so với thực tế, nguồn cung này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn về chỗ ở của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp. Trong tháng 4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030"; trong đó, đưa ra một loạt chính sách cụ thể về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, với mục tiêu rất rõ ràng là giải quyết hàng loạt nút thắt lâu nay.
Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam mong muốn, Tọa đàm hôm nay sẽ ghi nhận thêm nhiều ý kiến, kiến nghị, giải pháp của các Bộ, ngành địa phương, các Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp để hiện thực hóa đề án này. Tại Tọa đàm hôm nay, với đơn vị là một cơ quan truyền thông đồng phối hợp tổ chức, mong rằng các ý kiến tham luận của các vị đại biểu sẽ tập trung một số nội dung và trên các phương tiện, đặc biệt là các phương tiện của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC sẽ tiếp tục được phát tin trên định hướng một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục đóng góp bổ sung sửa đổi về những kết quả đạt được trong việc triển khai chính sách; những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đặc biệt là đề xuất thêm những giải pháp trong thời gian tới.
Hai là, sửa đổi các cơ chế chính sách về nhà ở xã hội; đề xuất những mục tiêu cụ thể về giải pháp tổ chức thực hiện.
Ba là, các đơn vị nhất là các địa phương, doanh nghiệp có thể phản ánh thêm về tình hình, kết quả hoạt động tại các địa phương, đơn vị mình để có bức tranh toàn diện về thực trạng triển khai chính sách nhà ở xã hội; từ đó các cơ quan quản lý tiếp thu và hệ thống được những giải pháp tốt nhất trong thời gian tới, và đây cũng là những nội dung, cơ sở rất quan trọng để các cơ quan truyền thông, trong đó có cơ quan truyền thông Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện.
Đồng hành và sát cánh với ngành Xây dựng trong thời gian qua, Đài Tiếng nói Việt Nam và Bộ Xây dựng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng các Bộ, ngành địa phương đơn vị luôn phối hợp chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực; trong đó có nhiều bước thực hiện tuyên truyền sâu rộng về chính sách nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và hội nghị hôm nay thể hiện sự phối hợp cụ thể thực chất và sinh động trong mối quan hệ hợp tác của các cơ quan chúng ta.
Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII vừa bế mạc tại Thủ đô Hà Nội đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề trọng đại, có ý nghĩa rất lớn đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII từ nay đến hết nhiệm kỳ. Trong nhiều nội dung được thảo luận, Trung ương đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá XI một số vấn đề về chính sách xã hội.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định rõ: “Chính sách xã hội là chính sách đối với con người, vì con người, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Xây dựng và thực hiện chính sách xã hội phải luôn lấy con người làm trung tâm; coi đầu tư cho thực hiện các mục tiêu chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển. Chính sách xã hội phải hướng tới toàn dân, bảo đảm toàn diện, công bằng, hiện đại, bao trùm, bền vững”.
Từ chủ trương lớn này cho thấy nhiệm vụ hoàn thành mục tiêu Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với các yêu cầu, định hướng mới về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân của Chính phủ đòi hỏi chúng ta phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng cùng các lực lượng xã hội, đồng thời phải triển khai quyết liệt, triệt để và cụ thể hơn. Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam tin tưởng rằng, Tọa đàm sẽ có nhiều ý kiến tâm huyết, góp phần đưa ra những giải pháp, sáng kiến, giúp cho các điểm nghẽn sớm được khơi thông, qua đó cùng chung tay hoàn thành đề án mang lại niềm vui an cư cho người lao động.
Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết: Theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 323 ngày 30/3/2023, thành phố Hải Phòng sẽ có 30 khu công nghiệp, 32 cụm công nghiệp và 08 khu vực phát triển công nghiệp.
Do vậy, nhu cầu về nhà ở công nhân trên địa bàn thành phố Hải Phòng trong thời gian tới là rất lớn. Bên cạnh đó, theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 338, thành phố Hải Phòng được giao chỉ tiêu hoàn thành 33.500 căn nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030, trong đó: Giai đoạn 2022 - 2025 là 15.400 căn; Giai đoạn 2026 - 2030 là 18.100 căn.
Thành phố Hải Phòng luôn xác định mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với việc đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm và được đưa vào chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của thành phố.
Trong giai đoạn 2022 - 2023: Thành phố đã đưa khoảng 1.080 căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vào sử dụng. Đã chấp thuận, chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 12 dự án nhà ở xã hội với quy mô trên 20.000 căn, trong đó đã khởi công 6 dự án nhà ở xã hội với tổng số trên 10.000 căn và đang tiếp tục xem xét để chấp thuận chủ trương đầu tư cho các dự án nhà ở xã hội khác trên địa bàn thành phố, làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư thực hiện.
Với quyết tâm hoàn thành vượt chỉ tiêu 33.500 căn nhà ở xã hội và hoàn thành trước năm 2030, vượt sớm hơn kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cho thành phố, cũng đúng ngày hôm nay, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã ban hành Nghị quyết về phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2030, với mục tiêu cụ thể như sau: Giai đoạn 2021 - 2025: xây dựng 15.400 căn hộ, trong đó phấn đấu 80% là sản phẩm hoàn thành và sản phẩm đưa ra thị trường. Giai đoạn 2026 - 2030: Xây dựng đạt và vượt chỉ tiêu 18.100 căn hộ.
Để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra, thành phố Hải Phòng đã đưa ra một số các giải pháp. Cụ thể, về đất đai thành phố lựa chọn, bố trí đất đai cho hệ thống nhà ở xã hội trên toàn thành phố nhằm chủ động và linh hoạt trong phát triển nhà ở. Trong đó ưu tiên khai thác tối đa khu đất sử dụng kém hiệu quả trong đô thị, các cơ sở sản xuất ô nhiễm cần di chuyển, các khu nhà ở kém chất lượng cần thay thế. Về quy hoạch: Chuẩn bị trước các định hướng quy hoạch cho hệ thống nhà ở xã hội trên toàn thành phố để chủ động phát triển nhà ở xã hội với quan điểm đây là một khu đô thị, khu nhà ở với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ.
Về chính sách hỗ trợ tài chính, cần nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ đặc thù về tài chính để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội của thành phố; các cơ chế hỗ trợ đối tượng thụ hưởng chính sách khi thực hiện thuê mua, mua nhà ở xã hội, hỗ trợ ổn định cuộc sống tại các khu nhà ở xã hội mới. Đồng thời, về chính sách đầu tư, thành phố thực hiện thêm các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và bàn giao đất, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho hay.
Đưa ra giải pháp về thiết kế và công nghệ xây dựng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, thiết kế và công nghệ xây dựng bảo đảm nguyên tắc cân bằng hài hòa giữa 03 yếu tố: Thẩm mỹ, cảnh quan đô thị - Quy mô, chất lượng công trình - Giá thành sản phẩm.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ liên thông các dữ liệu dân cư để đẩy nhanh quá trình xét duyệt và ngăn chặn việc lợi dụng chính sách. Thực hiện công tác tuyên truyền để người dân dần xóa bỏ thói quen “ở nhà mặt đất”. Xóa bỏ tư duy nhà ở xã hội là nhà cho đối tượng “yếu thế - thu nhập thấp” để hình thành quan điểm nhà ở xã hội là một dạng phân khúc nhà ở có chất lượng tốt và giá cả phù hợp với khả năng chi trả do có sự hỗ trợ từ Nhà nước.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục cập nhật.
Theo Nhóm phóng viên - Báo Xây dựng