(HUD) Ngày 21/02/2012, tại Hà Nội, Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) đã tổ chức Lễ ký cam kết giữa Công ty mẹ Tập đoàn và bốn Tổng công ty thành viên là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng, Tổng công ty Viwaseen về tăng cường tiết kiệm và tiết giảm chi phí theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính phủ và Báo cáo Đề cương Phương án tái cơ cấu Tập đoàn.
Dự Hội nghị có: Ông Trịnh Đình Dũng – UVTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; ông Vương Đình Huệ – UVTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; ông Nguyễn Văn Ngọc – Phó bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; đại diện một số vụ quản lý của Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính; Lãnh đạo Tập đoàn HUD, lãnh đạo các Tổng công ty và công ty thành viên của Tập đoàn HUD và Đại diện các cơ quan báo, truyền thông.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi Lễ.
Tại buổi Lễ, ông Nghiêm Văn Bang – Tổng giám đốc Tập đoàn HUD đã báo cáo về việc Tập đoàn triển khai thực hiện Chương trình tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh, tiết kiệm chi phí quản lý, giảm giá thành sản phẩm theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính phủ. Theo đó, để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch SXKD năm 2012, Tập đoàn HUD đã đề ra các giải pháp đồng bộ, trong đó có giải pháp quan trọng là tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí quản lý, giảm giá thành sản phẩm. Năm 2012, Tập đoàn HUD ký Giao ước giữa Công ty mẹ Tập đoàn với bốn Tổng công ty thành viên về thi đua tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh, giảm giá thành sản phẩm hướng tới một số mục tiêu và có các biện pháp thực hiện cụ thể, khả thi. Số tiền tiết kiệm từ tiết giảm chi phí quản lý dự kiến khoảng 125 tỷ đồng, nâng lợi nhuận dự kiến theo kế hoạch năm 2012 của Tập đoàn từ 1.980 tỷ lên 2.105 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi Lễ.
Cũng tại buổi Lễ, ông Nguyễn Đăng Nam – Chủ tịch Tập đoàn HUD đã báo cáo với các đại biểu về Đề cương Phương án Tái cơ cấu Tập đoàn, thực hiện theo Kết luận Hội nghị Trung ương 3, khóa XI và Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đề cương được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở đánh giá thực trạng Tập đoàn và các yêu cầu tái cơ cấu trong giai đoạn hiện nay, đi sâu phân tích các khó khăn, thách thức và thuận lợi, từ đó xác định quan điểm và mục tiêu, đề ra các giải pháp chủ yếu, bao gồm: Giải pháp về ngành nghề kinh doanh; giải pháp về vốn và tài sản; giải pháp về sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị thành viên; giải pháp về hoàn thiện, phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức chức Đảng và các đoàn thể; giải pháp về đổi mới và xây dựng hệ thống quản trị Tập đoàn; giải pháp về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về nghiên cứu khoa học và công nghệ. Chủ tịch Tập đoàn cũng cho biết, Hội đồng thành viên Tập đoàn HUD sẽ tập trung xây dựng Phương án tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2011-2015, có tính đến năm 2020, hoàn thành trong Quý I/2012 để trình Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn sẽ triển thực hiện phương án tái cơ cấu trong giai đoạn 2011-2015 theo đúng phương án được duyệt.
Tổng giám đốc Công ty Mẹ Tập đoàn và Tổng giám đốc bốn Tổng công ty thành viên ký giao ước thi đua tiết giảm chi phí 125 tỷ đồng trong năm 2012.
Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Xây dựng đều đánh giá cao kết quả hoạt động SXKD năm 2011 cũng như kế hoạch SXKD năm 2012 của Tập đoàn HUD. Theo hai Bộ trưởng, trong bối cảnh rất nhiều khó khăn của năm 2011, kinh tế thế giới và trong nước suy giảm, lãi suất huy động vốn ở mức cao, chi phí đầu vào liên tục tăng, thị trường bất động sản trầm lắng, thì việc Tập đoàn HUD vẫn đạt các chỉ tiêu tăng trưởng trên 10% đã thể hiện được bản lĩnh, truyền thống và nỗ lực thi đua rất lớn của toàn Tập đoàn HUD. Hai Bộ trưởng tin tưởng với các giải pháp cụ thể được đưa ra, Tập đoàn HUD sẽ thực hiện tốt việc tiết giảm chi phí, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả SXKD năm 2012. Về Đề cương Phương án tái cơ cấu Tập đoàn, hai Bộ trưởng đã bày tỏ sự ủng hộ và cho rằng, trong các mục tiêu cần đạt được từ quá trình tái cơ cấu, Tập đoàn HUD cần chú trọng mục tiêu là phải ngày càng nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh của Tập đoàn, từ đó khẳng định vị vai trò chủ đạo của Tập đoàn kinh tế Nhà nước trong lĩnh vực phát triển đô thị và nhà ở, đặc biệt là trong phát triển phân khúc nhà ở xã hội, góp phần vào việc bảo đảm an sinh xã hội.