Dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới bao gồm các hạng mục chính: Công trình Nhà Quốc hội gồm 2 tầng hầm và 5 tầng nổi, kích thước mặt bằng 102mx102m, chiều cao công trình khoảng 39m, tổng diện tích sàn 5 tầng nổi khoảng 36.540m2, tổng diện tích sàn 2 tầng hầm khoảng 26.700m2. Đường hầm liên hệ giữa Nhà Quốc hội và trụ sở Bộ Ngoại giao hiện nay, dài khoảng 60m, chiều cao thông thủy 3,85m.
Giám đốc BQLDA Nguyễn Tiến Thành (thứ 2 từ phải qua) đốc thúc các nhà thầu.
Đường Bắc Sơn được xây dựng thành quảng trường, bảo đảm tổ chức đón tiếp các nguyên thủ quốc gia theo nghi lễ Nhà nước khi tổ chức ở ngoài trời… Bên cạnh việc xây mới, tư liệu về lịch sử Quốc hội, các hiện vật, tư liệu phim và mô hình Hội trường Ba Đình (cũ) sẽ được bố trí trong phòng truyền thống trang trọng Nhà Quốc hội; một phần diện tích của Nhà Quốc hội cũng là nơi trưng bày một số hiện vật khai quật khảo cổ học của Hoàng thành Thăng Long.
Tất cả những hạng mục trên sau khi hoàn thành, sẽ thỏa mãn những yêu cầu cơ bản: Nhà Quốc hội phải là công trình tiêu biểu cho thời kỳ phát triển mới của đất nước; là biểu tượng cho sự tập trung ý chí, nguyện vọng của toàn thể nhân dân, đồng thời cũng là biểu tượng của một nước Việt Nam yêu tự do, yêu hòa bình, sẵn sàng hợp tác với bè bạn quốc tế. Kiến trúc Nhà Quốc hội hoàn toàn gắn với phương án bảo tồn di tích lịch sử, kết hợp hài hòa với không gian, cảnh quan kiến trúc của khu vực.
Thi công móng cọc.
Thợ Sông Đà trên công trường.
Những ngày này, trên công trường xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới khoảng 800 công nhân, kỹ thuật viên, kỹ sư… thuộc nhiều đơn vị xây dựng đang khẩn trương lao động hăng say, nhằm đẩy nhanh tiến độ với chất lượng cao nhất của các hạng mục. Tính từ thời điểm bắt đầu thi công cuối quý II/2010 đến nay, công trình đã hoàn thành thi công toàn bộ phần cọc móng, tường vây và hơn 50% khối lượng móng của tòa Nhà Quốc hội, đạt giá trị sản lượng 1 nghìn tỷ đồng, bằng 15% tổng khối lượng công việc. Trong năm 2011, phấn đấu hoàn thành tầng hầm và triển khai phần thân Nhà Quốc hội.
Mặt bằng công trình chật hẹp, lối ra vào ít, địa điểm xây dựng trong Khu trung tâm chính trị Ba Đình - nơi có nhiều sự kiện chính trị quan trọng; một phần mặt bằng chưa được giải phóng, bàn giao… là những khó khăn cho công tác triển khai thi công. Nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo xây dựng Nhà Quốc hội, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Xây dựng, BQLDA Đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới đã và đang nỗ lực vượt bậc, khắc phục mọi khó khăn, áp dụng các biện pháp thi công tiên tiến trong và ngoài nước; huy động tối đa thiết bị, nhân lực làm việc 3 ca liên tục. Đó là những đơn vị chủ lực, có trình độ và khả năng chuyên môn, kỹ thuật, thiết bị cao nhất của ngành Xây dựng trực tiếp tham gia trong giai đoạn này: Tập đoàn Sông Đà chịu trách nhiệm thi công móng tầng hầm; TCty Xây dựng Hà Nội và LICOGI đảm trách thi công phần cọc công trình; giám sát công trình là Cty CP Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng CONINCO.
Một góc công trường.
Để có thể hoàn thành công trình Nhà Quốc hội đáp ứng đúng tiến độ, hơn bao giờ hết công trình trọng điểm quốc gia này cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ ngành liên quan với Bộ Xây dựng trong các công tác như GPMB, khai quật và trưng bày khảo cổ, trang trí mỹ thuật, đảm bảo an ninh an toàn, trưng bày hiện vật của Quốc hội…
Với sự quan tâm, chỉ đạo của các vị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội; sự đóng góp trí tuệ của các nhà khoa học, sự kỳ vọng của toàn thể nhân dân; đặc biệt là sự nỗ lực của các đơn vị được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện, Nhà Quốc hội sẽ sớm được hoàn thành theo như dự kiến, trở thành công trình tiêu biểu, xứng tầm với Thủ đô ngàn năm tuổi.
Theo baoxaydung.com.vn