“Nhà ở giá trung bình và thấp sẽ do doanh nghiệp đầu tư chứ không cần Nhà nước bao cấp. Vấn đề là cần sửa đổi những quy định không phù hợp”.
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Long khi bàn về vấn đề xây nhà ở giá bình dân phù hợp với nhu cầu thị trường.
Ông Quang cho rằng, nguyên nhân đẩy giá nhà ở lên cao là do thủ tục đầu tư rườm rà, mất quá nhiều thời gian tại Việt Nam, thường lâu hơn các nước khác từ 2 - 4 lần. Bất động sản bị đánh thuế quá nhiều, thậm chí là thuế chồng thuế. Vì vậy, muốn huy động được nguồn tiền từ dân vào thị trường thì cần phải sửa quy định thuế. Chẳng hạn, việc thu tiền sử dụng đất cần được chia làm 2 loại, một loại là đất của Nhà nước chuyển quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp và một loại là do doanh nghiệp mua quyền sử dụng đất. Với loại thứ nhất thì thu thuế 100%, còn với loại thứ hai thì chỉ nên thu 10 - 20%. Vì nếu loại thứ hai mà chịu thuế như loại thứ nhất thì thành ra doanh nghiệp phải mua giá trị quyền sử dụng đất 2 lần, khiến giá sản phẩm sẽ bị đẩy lên cao.
Vấn đề thuế trong chuyển nhượng bất động sản cũng cần được sửa đổi lại, theo hướng giảm tỷ lệ thuế suất để tăng nguồn thu. Bởi các giao dịch hiện nay thường là giữa các cá nhân, nên nếu thuế cao, họ sẽ tìm nhiều cách lách như ghi giá trị chuyển nhượng trong hợp đồng thấp hơn thực tế, làm hợp đồng ủy quyền thay vì chuyển nhượng…
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Phụng Thiều, Tổng giám đốc CTCP Địa ốc Sài Gòn Gia Định cho biết, muốn phá băng thị trường bất động sản, Nhà nước cần miễn, giảm thuế VAT và tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp. Khi đó, giá nhà sẽ giảm khoảng 30 - 40%, tức những nhà giá rẻ hiện có mức giá 11 - 13 triệu đồng/m2, sẽ giảm về 8 - 10 triệu đồng/m2. Những dự án này trước hết sẽ bán cho các đối tượng như bộ đội, cán bộ công nhân viên chức, sau đó mới bán cho các đối tượng khác.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết, chương trình nhà ở xã hội làm như trước đây đã thất bại khi giá nhà thậm chí còn cao hơn nhà ở thương mại. Vì thế, để đảm bảo chính sách này thành công, chính quyền địa phương cần giao đất sạch, có cơ sở hạ tầng, miễn giảm thuế đất, thuế VAT cho doanh nghiệp. “Nếu thực hiện như vậy, giá thành căn hộ tại TP. HCM sẽ được hạ xuống còn 7 - 8 triệu đồng/m2”, ông Đực khẳng định và cho biết thêm, Nhà nước cũng cần hạ lãi suất cho vay đối với người mua nhà xã hội xuống còn khoảng 7 - 8%/năm, chứ không cần bơm tiền cho doanh nghiệp. Bởi bơm vốn cho doanh nghiệp trong khi thị trường không có thanh khoản thì giống như “muối bỏ bể” và càng làm tăng thêm nợ xấu.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và phát triển nhà Thủ Đức cho rằng, cấu thành giá bất động sản chủ yếu là tiền sử dụng đất và lãi suất. Vì vậy, nếu Nhà nước giảm thuế VAT và thuế đất cho những doanh nghiệp đầu tư dự án giá trung bình thì sẽ giải quyết được những vấn đề tương lai của thị trường bất động sản. “Xây dựng chương trình nhà ở xã hội phải có mô hình khả thi và rõ ràng thì doanh nghiệp sẽ tham gia, nhà ở xã hội nhưng cũng phải mang tính thị trường, chứ không nằm trong cơ chế ‘xin - cho’”, ông Hiếu nói và cho biết, Nhà nước nên có chính sách để điều tiết, chứ không nhất thiết phải bỏ vốn cho chương trình này.
Trung Kiên
Theo DTCK