- Sáng 23-4, lãnh đạo Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) đã báo cáo Ban chỉ đạo trung ương về kết quả sơ bộ tổng kết thi hành Luật đất đai 2003 tại các bộ ngành và địa phương. Lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai cho biết hiện có 50 địa phương hoàn thành báo cáo tổng kết quá trình thi hành Luật đất đai 2003; 13 tỉnh, thành và bảy bộ, ngành đang tổng hợp để hoàn thiện quá trình tổng kết.
Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển, bước đầu của quá trình tổng kết cho thấy phải đánh giá rất cụ thể về việc thực hiện các nội dung quản lý nhà nước như quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Đồng thời cần lấy ý kiến sâu rộng khi sửa luật đối với nội dung giao đất, cho thuê đất, giá đất và tăng cường giám sát thi hành luật.
Đối với giá đất, lãnh đạo Bộ TN-MT cho rằng đây là gốc rễ của nhiều vấn đề khác liên quan đến đất đai. Vì vậy giá đất phải được công khai, minh bạch và phải được áp dụng đấu giá hiệu quả để xóa bỏ cơ chế xin - cho. Tính hiệu quả trong sử dụng đất đòi hỏi phải được quản lý chặt từ trung ương tới địa phương. Theo đó, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất làm rõ theo hướng cấp nào phê duyệt cấp đó mới được quyền điều chỉnh.
“Trong tháng 5, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ hoàn thiện báo cáo chính thức về việc tổng kết thi hành Luật đất đai 2003. Ngoài tổng hợp ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương, báo cáo cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp, thành phần xã hội. Sau giai đoạn này, ban chỉ đạo và Bộ TN-MT sẽ chọn ra những vấn đề nổi cộm nhất để tổ chức hội thảo chuyên sâu. Thậm chí có những vấn đề sau khi tổ chức hội thảo vẫn phải tiếp tục bàn và xin ý kiến ban chỉ đạo, Chính phủ để đảm bảo luật mới tháo gỡ được vướng mắc thực tế và có sức sống lâu hơn” - ông Hiển nói.
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ TN-MT trong thời gian tới tiến hành tổng hợp đầy đủ báo cáo của các ngành, địa phương về công tác quản lý, triển khai thi hành pháp luật về đất đai. Trong báo cáo tổng hợp, tiến hành phân tích sâu hơn về hiện trạng thi hành pháp luật trong từng mảng vấn đề để làm rõ các vướng mắc, tồn tại, nguyên nhân nhằm đưa ra các giải pháp khắc phục hiệu quả.
Theo chinhphu.vn