Nhằm tháo gỡ hàng tồn kho bất động sản trên địa bàn, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định thành lập Tổ công tác triển khai việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ và công năng các dự án bất động sản.
Thực hiện chủ trương này, đại diện của Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng như Cục Quản lý nhà, Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế… tiến hành rà soát tất cả các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố.
Trên cơ sở kết quả rà soát, Tổ công tác sẽ đề xuất phân loại các dự án được tiếp tục thực hiện, các dự án cần tạm dừng; dự án điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở, chuyển đổi sang phát triển nhà ở xã hội cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và nguồn lực xã hội
Tổ công tác cũng sẽ xem xét, thẩm định, đề xuất báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố các dự án nhà ở thương mại, dự án khu đô thị được điều chỉnh cơ cấu căn hộ và chuyển mục đích sử dụng từ nhà thương mại sang nhà xã hội hoặc công trình dịch vụ; tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố và Bộ Xây dựng các nội dung liên quan đến việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, hiện Hà Nội có trên 368 dự án bất động sản, trong đó có 233 dự án đang triển khai. Số căn hộ tồn đọng trên 5.780 căn hộ chung cư cùng hàng trăm căn biệt thự, nhà liền kề đã và đang hoàn tất xây dựng nhưng chưa bán được.
Đến thời điểm này, đã có 6 chủ đầu tư đăng ký đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại 7 điểm trên địa bàn thành phố, với tổng số lượng căn hộ dự kiến cung cấp cho thị trường là 1.354 căn, đáp ứng chỗ ở khoảng hơn 4.200 người. Những dự án này hiện vẫn chờ chủ trương chấp thuận của Ủy ban Nhân dân thành phố.
Trên cơ sở đề xuất của thành phố, hiện một số chủ đầu tư đã kiến nghị được chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở công vụ để giảm giá bán, qua đó kỳ vọng sẽ giải quyết được số bất động sản tồn kho nói trên. Bên cạnh đó, cũng nhằm gỡ khó cho thị trường, giải phóng hàng tồn kho, Ủy ban Nhân dân thành phố vừa quyết định tạm dừng cấp phép các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn.
Trên thực tế, qua phản ánh của một số chủ đầu tư trên địa bàn Hà Nội, việc thực hiện giải pháp chuyển đổi sang phát triển nhà ở xã hội đang vướng phải một số vướng mắc do thủ tục chuyển đổi còn rất phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo một số chuyên gia về bất động sản, để giải pháp chuyển đổi sang phát triển nhà ở xã hội đảm bảo hiệu quả trên thực tế, cần có tiêu chí xác định những dự án nào sẽ được tham gia chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội; cần xác định yêu cầu đảm bảo quy hoạch chung; xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý để thực hiện những giải pháp “giải cứu” thị trường bất động sản và sự quản lý chung, đồng bộ và lâu dài./.
Minh Nghĩa (TTXVN)