Cuối năm, các NH dành nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi cho khách hàng vay mua nhà. Từ nhiều tháng nay, một số NHTM lớn đã đồng loạt dành các gói tín dụng có trị giá 2.000 - 4.000 tỉ đồng mời gọi khách vay mua nhà với lãi suất ưu đãi.
Ồ ạt mở "van" tín dụng
NHTMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã liên kết hơn 40 dự án BĐS trên toàn quốc và dành 5.000 tỉ đồng để cho khách hàng vay với lãi suất 12% trong vòng 12 tháng. NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng tung ra gói 2.000 tỉ đồng cho cá nhân vay kinh doanh với lãi suất 13%/năm; còn vay mua, xây, sửa chữa nhà là 14%/năm. NH TNHH một thành viên HSBC Việt Nam cho khách hàng vay mua nhà với lãi suất ưu đãi 9,99% một năm trong ba tháng đầu tiên. NHTMCP Quốc tế (VIB) dành 1.000 tỉ đồng cho vay BĐS với lãi suất 14,2%/năm trong 3 tháng đầu của khoản vay, thời gian vay 180 tháng, mức vay tối đa là 90% nhu cầu vốn...
Trước đó, NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã đưa ra mức lãi vay “sốc” là 10%/năm, nhưng chỉ áp dụng đối với khách hàng mua căn hộ tại một số dự án cụ thể... NHTMCP Phương Đông (OCB) cũng vừa triển khai chương trình ưu đãi giảm mạnh lãi suất 3% đối với khách hàng vay mua nhà/căn hộ. Theo đó, những khách hàng cá nhân có thu nhập ổn định hằng tháng từ 12 triệu đồng và hộ kinh doanh cá thể vừa và nhỏ kinh doanh các mặt hàng, dịch vụ... có tính chất ổn định và có thời gian kinh doanh từ 2 năm trở lên vay mua nhà hoặc căn hộ trong khoảng thời gian từ 23.11.2012 đến 23.2.2013 sẽ được vay với lãi suất từ khoảng 13,5%/năm. Tỉ lệ cho vay lên đến 70% giá trị tài sản đảm bảo và thời gian 15 năm với mức cho vay lên đến 1,5 tỉ đồng/khách hàng.
Nguyên nhân đẩy mạnh tín dụng cũng như tăng cường tìm khách hàng cá nhân- theo lý giải của nhiều lãnh đạo NH- là lợi nhuận và chỉ tiêu tín dụng được giao có nguy cơ không đạt định mức. TGĐ một NHTMCP tại TPHCM thừa nhận, đến nay tăng trưởng tín dụng tại đơn vị này mới chỉ đạt chưa đầy 2/3 chỉ tiêu được NHNN giao. Do đó, nếu đúng con số này được sử dụng làm căn cứ để phân hạn mức tăng trưởng cho các năm sau, thì đây là điều thiệt thòi lớn vì năm nay, không riêng gì NH ông, mà các nhà băng khác đều kém tăng trưởng cho vay.
"Cơn bão" lớn sẽ đến?
Trong khi đó, “tảng băng” mà các NH đang muốn phá vẫn còn trơ trơ và ngày càng phình to. Theo báo cáo quý III, chỉ riêng nhóm doanh nghiệp BĐS niêm yết trên sàn, giá trị hàng tồn kho đã lên đến 51.017 tỉ đồng tính đến 30.9.2012- tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. KBC, PRD, SJS, HAG, QCG và ITA là những đơn vị có tồn kho “khổng lồ”, vượt qua con số 3.000 tỉ đồng. Ngoài gánh nặng hàng tồn kho, các DN BĐS tiếp tục bị ám ảnh bởi những khoản nợ nần chồng chất. Chỉ có khoảng 1/3 số DN trong ngành có hệ số nợ (nợ phải trả/vốn chủ sở hữu) nhỏ hơn 1, còn lại đa số có hệ số lớn hơn 1 và vượt quá hệ số trung bình của ngành.
Thực trạng này đã kéo dài trong những năm qua và thực sự bùng nổ trong hai năm gần đây. Tập đoàn của bầu Đức (HAG) hiện đang dẫn đầu về nợ phải trả với hơn 17.688 tỉ đồng, nâng hệ số nợ hiện lên 1,8. Trong hơn 6.000 tỉ đồng nợ ngắn hạn của HAG tại 30.9.2012, có gần 2.000 nợ vay và hơn 1.000 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi. Mới đây nhất, HAG đã có thông báo về việc lấy ý kiến cổ đông về việc phát hành riêng lẻ và cho cổ đông hiện hữu, tổng cộng phát hành 175 triệu CP để hoán đổi với trái phiếu đã phát hành trên.
Và cũng chính vì vậy mà trong một báo cáo về triển vọng ngành BĐS mới đây của CTCK VCB (VCBS), các nhà phân tích của Cty này nhận định trong quý IV, xu hướng đầu cơ sẽ bị thay thế bằng xu hướng đầu tư cho mục đích ở và tích lũy tài sản. Giá BĐS nhà để ở có khả năng sẽ tiếp tục giảm khi các DN đang giữ một lượng hàng tồn khổng lồ, trong khi các NĐT thứ cấp cũng có nhu cầu phải xả hàng cắt lỗ. Nguồn hàng từ việc NH xiết nợ, xử lý tài sản đảm bảo cũng phần nào làm gia tăng áp lực giảm giá.
Trong khi đó, nguồn cung dự án mới (chưa đền bù, giải phóng mặt bằng) sẽ bị tạm dừng. DN tập trung vào các dự án đang triển khai và công tác bán hàng. Ngoài ra, tín dụng BĐS không dễ nới lỏng trong bối cảnh kinh tế thắt chặt. NH có xu hướng dịch chuyển từ tài trợ dự án sang đẩy mạnh dịch vụ sản phẩm bán lẻ, qua đó tăng sức mua cho thị trường, thu hồi vốn vay và giúp DN phát triển.
Về phía các DN BĐS, cũng không dễ dàng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận ''khủn''g trong thời kỳ BĐS đóng băng như trước đây. Nhiều DN mắc kẹt khi triển khai quá nhiều dự án BĐS cùng một lúc, do đó oằn lưng với gánh nặng nợ vay NH, vấp phải khiếu kiện của nhà đầu tư khi đã huy động tiền từ người mua nhưng không thể triển khai dự án theo tiến độ, khi bản thân tiền nộp của người dân đã được Cty đem sử dụng vào các mục đích khác. Một số DN không có vay nợ, có sức khỏe tài chính tốt thì chỉ tập trung vào việc hoàn thiện các dự án đang dang dở và dừng triển khai các dự án mới.
Theo http://news.woa.vn