Thị trường BĐS hiện nay, việc thiếu hụt trầm trọng thông tin đã khiến nhiều nhà đầu tư hay chính những người dân đi mua nhà phải “ngậm quả đắng” khi đã chót đưa tay ký kết mua bán trên giấy bằng những thông tin rao bán mùi mẫn mà chưa được ai kiểm chứng.
Thông tin dự án "Chung cư Petromaning" được rao bán tràn lan trên mạng khi chủ đầu tư khẳng định chưa hề khởi công hay bán. Với người dân, để xác định thông tin chính xác quả là điều vô cùng khó khăn. |
Theo khảo sát của PV Laodong.com.vn, hiện nay có khá nhiều các trang mạng điện tử giới thiệu, chào bán các thông tin về BĐS, thế nhưng, đâu là thông tin đích thực, tiếp cận bằng cách nào, vẫn chỉ là những câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Ngay cả một số sàn giao dịch BĐS cũng rao bán bằng những thông tin thiếu chính xác về các dự án mà nếu không được các cơ quan thông tin đại chúng kịp thời phản ánh thì không biết có bao nhiêu người dân đã “sập bẫy”. Có thể dẫn chứng gần đây nhất, nhiều trang mạng rao bán rầm rộ dự án có tên “Chung cư mini Petromaning” , “Chung cư Trần Duy Hưng” đều chỉ tên dự án chung cư của Cty CP Phát triển Nguồn lực và Dịch vụ Dầu khí Việt Nam với giá hàng tỷ đồng một căn. Tuy nhiên, chủ đầu tư lại khẳng định, hiện dự án chưa khởi công và cũng chưa bán một căn nào nên việc các sàn giao bán là lừa đảo.
Tới đây, dư luận có quyền đặt ra câu hỏi: Phải chăng chưa có cơ quan nào xử lý những đơn vị đăng tin rao bán sai, không đúng thực tế nên mới có nhiều thông tin lừa đảo người dân như hiện nay?
Thiếu thông tin nên thị trường đã liên tiếp xảy ra những đợt nóng, lạnh thất thường, phục vụ lợi ích cho một nhóm người đầu cơ, khiến cho thị trường không bền vững. Trong khi người dân bỏ tiền mua một căn hộ để sinh sống thì chủ nhân căn hộ có quyền được sử dụng tiện nghi xung quanh và có nghĩa vụ trả phí cho những dịch vụ đó. Tuy nhiên, những quyền đó được nhắc đến mơ hồ, không được ghi rõ ràng, chi tiết trong hợp đồng và thực tế đã xảy ra không ít vụ tranh cãi việc khách hàng được dùng những cái gì, phải trả tiền gì, cái nào chung và cái nào riêng như ở chung cư The Manor... Những vấn đề đó đều do thông tin không minh bạch mà ra. Đôi khi, cũng có lúc lại do người mua quá vồ vập mà việc tìm hiểu thông tin xung quanh dự án chưa thật sự kín kẽ khi thấy dự án đó đông người mua vậy là cứ “tặc lưỡi” đăng ký nhanh để có quyền mua căn hộ vì sợ hết vị trí đẹp.
Nhiều chuyên gia trong ngành BĐS đưa ra lời khuyên, người tiêu dùng cần phải thông minh hơn bằng cách thu thập càng nhiều thông tin càng tốt để tránh những rủi ro thua thiệt. Nếu thấy “quá sức”, người tiêu dùng nên gặp những nhà tư vấn luật có hiểu biết về BĐS sẽ an toàn hơn.
Mọi dự án, mọi giao dịch cần công khai minh bạch thông tin cho mọi đối tượng tham gia thị trường, có thế mới giảm các rủi ro pháp lý gây thiệt hại lợi ích cho người tiêu dùng và Nhà nước. Đây là việc làm không dễ, thiết nghĩ, cơ chế quản lý Nhà nước cần đi trước một bước để hướng dẫn và điều tiết thị trường, chứ nếu chỉ đi sau tìm giải pháp khắc phục các rủi ro đã xảy ra thì khó có thể thiết lập được sự công khai, minh bạch thực sự trên thị trường BĐS.