Hơn hai tháng sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 02 gỡ khó cho địa ốc, doanh nghiệp Hà Nội vẫn loay hoay chờ cơ chế thông thoáng để chuyển đổi sản phẩm, kích cầu thị trường.
Ngày 18/3, Bộ Xây dựng làm việc cùng UBND TP Hà Nội về phát triển chính sách nhà ở. Ông Trần Ngọc Anh - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera cho biết, tổng công ty được giao triển khai 4 dự án nhà ở xã hội, doanh nghiệp đang gặp khó ở Khu đô thị Tây Mỗ. 585 căn hộ trước đã được duyệt quy hoạch nhưng nay đành phải chờ quy hoạch phân khu. “Tổng công ty có kế hoạch khởi công trước 30/4 nhưng hiện còn nhiều vướng mắc”, ông Ngọc Anh chia sẻ.
Lãnh đạo Viglacera cho hay, doanh nghiệp ông có tới 3 dự án thuộc diện được hỗ trợ chính sách nhưng nay lại phải đau đầu vì nhiều khách hàng khi biết có Nghị quyết 02 đã không ký hợp đồng để... chờ hỗ trợ. Chưa hết, Viglacera còn phải gồng mình lo tài sản thế chấp khi vay vốn ngân hàng. Theo ông Ngọc Anh, doanh nghiệp xây nhà xã hội nhưng lại mang tài sản khác ra thế chấp sẽ rất khó khăn bởi không phải ai cũng đủ lực. Trường hợp xin được thế chấp bằng chính căn nhà đó, nhà băng lại khước từ.
“Vì vậy, chúng tôi mong muốn có chính sách hỗ trợ từ ngân hàng với các chính sách áp dụng cho hợp lý các đối tượng tham gia xây dựng nhà ở xã hội”, ông Anh nói.
Tại hội nghị, hàng loạt doanh nghiệp lớn như HUD cũng xin điều chỉnh 4,2 ha nhà cao tầng sang nhà ở xã hội, Tổng công ty sông Hồng xin điều chỉnh dự án Bắc Cổ Nhuế - Chèm. Vinaconex 2 xin thực hiện 1 tòa nhà tại dự án Kim Văn Kim Lũ sang nhà ở xã hội, Dự án Trung văn của Vinaconex3 cũng xin đổi sang nhà ở xã hội đồng thời chia nhỏ 528 căn thành 828 căn…. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn đang chờ thủ tục, cơ chế.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí toàn cầu (GP - Invest) cho rằng, doanh nghiệp chưa kịp phấn khởi vì có Nghị quyết 02 tháo gỡ khó khăn thì lại "lo ngay ngáy" vì thủ tục. Theo ông, thủ tục hành chính đang gây bức xúc cho doanh nghiệp. Đơn cử, doanh nghiệp của ông cũng đang xin chia nhỏ căn hộ nhưng thủ tục “đi lên, đi xuống” vẫn chưa xong. Chỉ riêng một văn bản cũng phải mất nửa tháng mới giải quyết xong.
“Nhu cầu của xã hội về nhà ở là có thật, nhưng khi chia nhỏ căn hộ lại vấp quy định về căn hộ tiêu chuẩn. Chúng tôi chỉ mong Bộ Xây dựng và Hà Nội giúp tháo gỡ khó khăn về thủ tục, bởi vậy, dù không xây nhà ở xã hội, tôi vẫn đến xem thủ tục Nghị quyết 02 có tốt không”, ông Hiệp nói.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho hay, trước khi có Nghị quyết 02, Bộ Xây dựng đã rà soát, kiểm tra tại 11 thành phố lớn, ban hành tiêu chí dự án nào cần tạm dừng. Mặc dù Nghị quyết 02 đã ra đời đến nay được hơn 2 tháng nhưng theo ông Nam, các động thái triển khai của các bộ ngành và địa phương chưa rõ rệt. “Nghị quyết bước đầu có thể làm doanh nghiệp phấn khởi nhưng chúng ta không làm quyết liệt thì lòng tin của doanh nghiệp và người dân sẽ bị giảm sút đi”, ông Nam lo ngại.
Theo ông Nam, tới đây tổ công tác của Bộ Xây dựng và UBND thành phố sẽ gắn kết chặt chẽ hơn để thúc đẩy nhanh các dự án. "Hiện nay, nhu cầu người ở nhà xã hội của Hà Nội rất lớn, vì vậy trong năm nay phấn đấu xây dựng, chuyển đổi khoảng 10 dự án; trong đó từ nay đến hết tháng 4/2013 cố gắng thực hiện từ 5 - 6 dự án", Thứ trưởng Nam cam kết.
Phó chủ tịch UBND Nguyễn Văn Khôi khẳng định, thành phố sẽ tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục chuyển đổi nhà ở thương mại sang xã hội, đồng thời tháo gỡ thủ tục hành chính sao cho đơn giản, nhanh gọn nhất. Các quy hoạch điều chỉnh cao tầng thấp tầng, chia nhỏ… phải tính toán để đáp ứng hạ tầng kỹ thuật của ngành. Ngoài việc tháo gỡ cũng cần phải kiểm soát cả nghĩa vụ của doanh nghiệp.
“Chúng ta phải tính hài hòa lợi ích Chính phủ, bộ ngành đặt vấn đề ưu tiên nhưng cần tính toán cơ chế thị trường lúc thăng trầm, lấy thấp bù cao để những sản phẩm dở dang đi vào sử dụng hiệu quả nhất nhằm giảm bớt khó khăn cho nhà ở xã hội”, Phó chủ tịch Thành phố nhấn mạnh.
Nghị quyết 02 của Chính phủ ban hành 7/1 được nhiều doanh nghiệp và người dân quan tâm khi đưa ra các chính sách khuyến khích doanh nghiệp cơ cấu lại phân khúc sản phẩm, ưu đãi chuyển từ thương mại sang nhà thu nhập thấp. Chính phủ yêu cầu các bộ ngành cần rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đặc biệt giải quyết nhanh chóng các thủ tục cho phép điều chỉnh cơ cấu dự án đang tồn kho, thi công dở dang phù hợp với nhu cầu thị trường, thủ tục chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng công bố dự thảo Thông tư Quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02. Theo đó, lãi suất cho khách hàng và doanh nghiệp xây, mua nhà thu nhập thấp trong 3 năm đầu tiên dự kiến là 6%. Khách hàng phải cam kết chưa từng được hỗ trợ lãi suất từ các ngân hàng khác.
Hoàng Lan
Theo Vnexpress